Nhiều hạn chế trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm

Ngày 4/10, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm tổ chức Hội nghị kiểm nghiệm An toàn thực phẩm năm 2018.

Năng lực kiểm nghiệm thực phẩm của các cơ sở kiểm nghiệm trong nước còn nhiều hạn chế. Ảnh: ST

Hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm. Hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam trong những năm qua đã được chú trọng đầu tư từ tuyến Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện những trang thiết bị hiện đại, chính xác kiểm nghiệm thực phẩm vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến Trung ương; tuyến cơ sở còn thiếu và yếu. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng các hình thức cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm nghiệm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, trong tình hình mới về quản lý an toàn thực phẩm (giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm) cũng như với sự phát triển của khoa học kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trên thế giới ngày càng tiến bộ.

Để đáp ứng với vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần phải đẩy mạnh đào tạo cán bộ kỹ thuật có chuyên môn sâu, thành thạo trong kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Đặc biệt, phải sớm sửa đổi, bổ sung và cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công tác kiểm nghiệm thực phẩm theo hướng hội nhập thế giới.

Tại Hội nghị các chuyên gia y kiểm nghiệm thực phẩm các tuyến đều nêu lên những khó khăn, trở ngại lớn nhất trong lĩnh vực này hiện nay chính là năng lực kiểm nghiệm thực phẩm còn quá yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Cụ thể, hiện nhiều địa phương chưa đủ năng lực xét nghiệm một số chỉ tiêu gây hại trong thực phẩm phải gửi lên tuyến trên, thời gian chờ đợi lâu (từ 10 đến 15 ngày), ảnh hưởng đến việc xử lý sai phạm là vấn đề nan giải tồn tại đã lâu song chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Bên cạnh đó, đại diện một số cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm tuyến dưới cho biết, hiện có một số hoạt chất chưa được các bộ, ngành Trung ương chỉ định kiểm tra nên khi phát hiện ra chất đó có trong thực phẩm, tuyến dưới loay hoay không biết xử lý như thế nào. Đơn cử như Nattri Benzoat dùng trong sản xuất nem, chả, chất huỳnh quang có trong bún, mì đều chưa được chỉ định kiểm tra.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/con-nhieu-han-che-trong-cong-tac-kiem-nghiem-thuc-pham.aspx