Nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dạy thêm trong trường học

GDVN- Điều đáng nói, đây là các trường đều đã thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày, có nghĩa là đã làm trái với các quy định dạy thêm học thêm học thêm hiện nay.

Năm học 2020 – 2021 chỉ mới bắt đầu chưa được một tháng, nhưng các em học sinh, nhất là đối với bậc trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quay cuồng với các giờ học thêm, ngoài giờ học chính khóa ở trường.

Giáo viên dạy thêm ngay trong trường

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện tại, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cho thuê mở cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, hoặc cho giáo viên thuê phòng bên trong trường để dạy thêm cho học sinh ngoài giờ học chính khóa.

Tại trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), cứ vào các ngày trong tuần, khoảng 19h, khi đi ngang qua đây, người dân sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh cả trăm học sinh tan giờ học thêm đi ra, gây nên cảnh di chuyển khó khăn cho người đi đường.

Ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (quận 10) cũng vậy, cảnh tượng cũng không khác là bao.

Sau giờ học chính khóa ở trường, một số phòng học lại tiếp tục sáng đèn để cho giáo viên mượn dạy thêm cho học sinh vào buổi tối. Việc này tồn tại cũng đã khá lâu.

Còn với trường Trung học phổ thông Gia Định, quận Bình Thạnh, cho dù là một trong những trường có điểm chuẩn đầu vào cao nhất thành phố, số lượng học sinh giỏi hàng năm chiếm đến khoảng 80% tổng số học sinh của trường, nhưng ngoài giờ học chính khóa, có một số học sinh vẫn phải ở lại trường để học thêm.

Phòng ghi danh của cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hùng Vương nằm ngay trước trường Hùng Vương (ảnh: P.L)

Phòng ghi danh của cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hùng Vương nằm ngay trước trường Hùng Vương (ảnh: P.L)

Tại trường Trung học phổ thông Hùng Vương, quận 5, ngay bên ngoài cổng trường có một phòng để dành cho cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hùng Vương ghi danh.

Khi đến tìm hiểu lớp học, nhân viên ghi danh tại đây nói với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, học sinh sẽ được học ngay tại phòng học của nhà trường, do chính giáo viên của trường Hùng Vương giảng dạy.

Các hiệu trưởng nói gì về việc này?

Ngày 18/9/2020, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bảo Quốc – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Gia Định, quận Bình Thạnh chia sẻ: Đúng là trường có cho giáo viên mượn một vài phòng để dạy thêm vào buổi tối.

Tuy nhiên, việc dạy thêm này không phải là do nhà trường đứng ra tổ chức, mà là do nguyên hiệu trưởng nhà trường – bà Nguyễn Thị Thu Cúc (đã về hưu) đứng ra tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết: Bà có đứng tên, tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường. Địa chỉ đặt tại một ngôi nhà ở gần trường Gia Định.

Ngoài ra, bà có mượn một vài phòng học ở trường trung học phổ thông Gia Định, để buổi tối giáo viên dạy thêm cho học sinh.

Thế nhưng, bà Thu Cúc nói, trường chỉ cho mượn phòng và bà đứng ra trả tiền điện, nước hàng tháng, chứ giữa bà và trường không có bất cứ hợp đồng nào ràng buộc.

Bên cạnh việc trả tiền điện, nước, thì hàng năm, vào những dịp lễ, tết quan trọng, bà Cúc đều có đứng ra tài trợ thêm một số khoản thu nhập cho giáo viên của trường Gia Định.

Hiện giấy phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường do bà Cúc đứng tên đã hết hạn từ ngày 26/1/2020 (giấy phép có thời hạn 2 năm)

Học sinh trường Nguyễn Khuyến trước khi vào giờ học thêm tối (ảnh: P.L)

Còn tại các trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (quận 10), sau giờ học, nhà trường cũng cho giáo viên mượn một vài phòng dạy thêm, chỉ phải trả một vài chi phí nhỏ như điện, nước.

Bà Võ Thị Hồng Lan – Hiệu trưởng trường Nguyễn Khuyến cho biết, trường sẽ ngưng không cho giáo viên mượn phòng dạy thêm ngay lập tức.

Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của cơ quan chức năng, ngày 21/9, đại diện Ban Giám hiệu trường Võ Thị Sáu cũng cho biết, sẽ ngưng ngay việc giáo viên dạy thêm trong trường sau ít ngày nữa.

Với trường Trung học phổ thông Hùng Vương, ngày 19/9, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Vân Yên – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đúng là trường có cho thuê một cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hùng Vương, do một cựu giáo viên đứng ra xin phép thành lập, sẽ hết hạn giấy phép vào tháng 2 năm sau.

Giáo viên của trường Hùng Vương có dạy thêm tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa này, tuy nhiên xin phép trực tiếp Giám đốc cơ sở này, và phải đảm bảo đúng yêu cầu về mặt chuyên môn.

Sau khi kết thúc giấy phép, thì trường cũng sẽ thông báo không cho cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ này thuê nữa, vì Sở sẽ không cho gia hạn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, các đại diện phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Theo đúng các quy định về dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thì các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thì không được tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Còn với việc áp dụng Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì các trường đã hoàn thành đề án từ 2 năm nay.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh thẩm tra hồ sơ, sẽ trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt cho các trường.

Phương Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-giao-vien-o-thanh-pho-ho-chi-minh-van-day-them-trong-truong-hoc-post212508.gd