Nhiều giáo viên ở Lào Cai bỏ việc vì lương thấp

Theo đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai, năm 2017, tỷ lệ giáo viên bỏ nghề tăng, nguyên nhân phần lớn là lương thấp.

Sáng 12/5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung 11 điều của Luật Giáo dục tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo luật và góp ý cần bổ sung một số vấn đề như: Bậc mầm non cần nhận trẻ từ 6 tháng tuổi; đề nghị miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi; chính sách lương cho giáo viên...

Ông Trần Quang Vượng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai - cho biết chính sách đối với giáo viên cần thay đổi. Đặc biệt, việc tăng lương cho giáo viên là cần thiết để họ không bỏ nghề.

Đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quyên Quyên.

Đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quyên Quyên.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm 2017, 26 giáo viên trong số 2.000 thầy cô viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. Trong khi đó, năm 2005, chỉ 6 người thôi việc. Con số tăng này cho thấy nghề sư phạm không còn là sự lựa chọn của nhiều người.

“Dịp cuối năm, tôi nhận được nhiều đơn xin nghỉ việc, kể cả ở khu vực thành phố. Có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ, tôi tin trong đó có việc lương hiện nay quá thấp”, ông Vượng nêu quan điểm.

Cùng chung đề xuất về lương, ông Phan Xuân Quyết - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên - cho rằng nếu lần này thực hiện được “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp” sẽ thu hút nhiều nhân tài cho ngành giáo dục.

Đại biểu của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương bày tỏ cần đổi khái niệm nhà giáo để người quản lý giáo dục cũng được hưởng chế độ chính sách ưu tiên, mới thu hút người có tầm về làm cán bộ quản lý. Một thực tế nhiều tỉnh gặp phải là chuyển giáo viên làm chuyên viên cấp sở, phòng nhưng họ từ chối vì không được hưởng chính sách lương thâm niên nhà giáo.

Về dự thảo miễn học phí đến bậc THCS trong điều 105, theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, đây là chủ trương thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã quy định ngân sách thường xuyên chi cho giáo dục 20%, nhưng thực tiễn ở nhiều địa phương ngân sách thường xuyên chi cho giáo dục mới đạt từ 10%-15%, thậm chí có nơi dưới 10%.

Đại diện này cho biết chủ trương là tốt, nhưng cũng phải căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua đề cập vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, tạo điều kiện để chuyển đổi mô hình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập để có xã hội hóa cao.

Chúng ta mong muốn miễn học phí cho học sinh THCS, nhưng trong điều kiện đất nước hiện nay cần phải nghiên cứu thêm để có quyết sách tốt hơn cho chính sách.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-giao-vien-o-lao-cai-bo-viec-vi-luong-thap-post801580.html