Nhiều giải pháp VATM ổn định SXKD vượt 'cơn bão' Covid-19

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2020 trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19 trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tổng công ty năm 2020.

Kíp trực tại Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất

Kíp trực tại Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất

Đối mặt khó khăn: Sản lượng sụt giảm nghiêm trọng

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề và rõ rệt nhất.

Sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có mối liên hệ và phụ thuộc trực tiếp tới tình hình hoạt động của các hãng hàng không. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và các chính sách hạn chế giao thông hàng không của chính phủ các nước như một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sản lượng khai thác của các hãng hàng không toàn thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới sự sụt giảm về sản lượng điều hành bay đi, đến và điều hành bay quá cảnh của Tổng công ty.

Bên cạnh đó sản lượng điều hành bay đi, đến cũng có khả năng bị ảnh hưởng do tiến độ thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Dự kiến tổng sản lượng điều hành bay năm 2020 của Tổng công ty chỉ đạt 436.145 lần chuyến, bằng 44,8% so với thực hiện năm 2019 (Giảm 536.763 lần chuyến so với thực hiện 2019).

Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu do sụt giảm sản lượng, chỉ tiêu doanh thu của Tổng công ty tiếp tục ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán giá dịch vụ điều hành bay cho Tổng công ty. Hiện đã có một số hãng hàng không đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay, một số hãng hàng không còn nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán được, điều này gây khó khăn lớn cho hoạt động của Tổng công ty.

Trạm kiểm soát không lưu Nội Bài

Tập trung các nhóm giải pháp ổn định SXKD

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, khả năng thanh khoản của Tổng công ty ngày càng trở nên khó khăn do dòng tiền thu nhập từ doanh thu cung cấp dịch vụ bị sụt giảm nghiêm trọng. Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp cắt giảm, giãn tiến độ thực hiện các khoản chi, bố trí lại thời giờ làm việc của người lao động cho phù hợp với mật độ và lưu lượng bay, đảm bảo tuân thủ yêu cầu “giãn cách xã hội” theo chỉ đạo, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động hướng tới cân đối chi phí.

Tổng công ty xây dựng lại Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, trong đó có tính toán đến các kịch bản thời điểm công bố hết dịch. các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh, bao gồm giải pháp trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, giải pháp trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính, lao động-tiền lương...

Trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ duy trì chế độ trực ca, kíp nghiêm túc, không được lơ là, chủ quan khi mật độ bay giảm. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ tại chỗ cho lực lượng kiểm soát viên không lưu. Xây dựng và chuẩn bị các phương án ứng phó đối với các kịch bản có người lao động trong dây chuyền trực tiếp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay bị lây nhiễm, theo nguyên tắc tuyệt đối không để khuyết vị trí trực điều hành bay.

Trường hợp phát sinh các vị trí khuyết lao động do nhiễm bệnh hoặc cách ly do nghi nhiễm phải có các phương án ứng phó không lưu, kỹ thuật, điều chỉnh sắp xếp các vị trí lao động để đảm bảo điều hành bay liên tục, không gián đoạn trong mọi trường hợp.

Tập trung kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các hệ thống, trang thiết bị phục vụ điều hành bay, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường, khuyến khích lực lượng bảo đảm kỹ thuật tại các đài, trạm thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng tại chỗ; tiết kiệm tối đa việc sử dụng các vật tư dự phòng, vật tư tiêu hao.

Về giải pháp trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, lao động-tiền lương, thực hiện tốt các chế độ tài chính, kế toán, tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán các dự án hoàn thành và nhiệm vụ chi thường xuyên. Đồng thời, yêu cầu đầy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch các dự án chuyển tiếp năm 2019, tiếp tục thực hiện các thủ tục triển khai các dự án đầu tư mới năm 2020. Sắp xếp, chủ động về nguồn vốn đầu tư, đảm bảo 100% các dự án quan trọng đều được thu xếp vốn đầu tư theo tiến độ; phấn đấu đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm của Tổng công ty theo đúng tiến độ đề ra. Tích cực bám sát, giải trình với Bộ GTVT, Cục HKVN trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm.

Vi Hoa

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nhieu-giai-phap-vatm-on-dinh-sxkd-vuot-con-bao-covid-19-d87764.html