Nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược

Sau khi dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được công bố, nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đề cập đến các giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của nhiệm kỳ đến.

Qua nghiên cứu dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nguyên Phó Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà cho rằng, nội dung có nhiều điểm mới, mang tính đột phá và có tầm nhìn chiến lược. Trong nhiệm kỳ đến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược đã thể hiện tính toàn diện, đầy đủ những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chủ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá trong giai đoạn hiện nay.

Việc ứng dựng công nghệ thông tin giúp công tác xử lý hành chính về thuế cho tổ chức, cá nhân được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

"Để thực hiện thành công mục tiêu này cần có sự đồng sức, đồng lòng, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nhiệm vụ “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng” có ý nghĩa, vai trò rất lớn, quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại", ông Hà chia sẻ.

Hoàn toàn nhất trí với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn nêu giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Theo đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. Bởi từ Đại hội XII đến nay, chưa bao giờ cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý lại bị kỷ luật nhiều đến vậy. Do đó, cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, quy trình, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán, TS.Bùi Phụ Anh cho biết, việc Đảng nghiên cứu, bổ sung các nội hàm mới vào các đột phá chiến lược như: Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo... đã nêu rõ xây dựng hạ tầng số là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế số.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này thì cần nhấn mạnh và làm rõ hơn nữa để xác định tầm quan trọng, sự tác động, chi phối của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là, cần bổ sung nội dung: Phát triển hạ tầng số phải dựa trên cơ sở của 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Để phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia bên cạnh việc bố trí hợp lý nguồn lực, Đảng và Nhà nước cần sớm xây dựng chủ trương và hành lang pháp lý về chính sách thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này...

Bài, ảnh: BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202011/nhieu-giai-phap-thuc-hien-nhiem-vu-trong-tam-va-dot-pha-chien-luoc-3032630/