Nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia, trong đó công tác tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được coi là giải pháp trọng tâm.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nơi cư trú

Hưởng ứng chủ đề "Chung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi" của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi vào tháng 10/2019. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tập trung rà soát, nắm bắt tình hình người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, thuộc diện chính sách; vận động nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đảm bảo kinh phí ngân sách và vận động xã hội thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; phối hợp với các cơ sở y tế lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tiếp tục thực hiện Chương trình "Mắt sáng cho người cao tuổi"; tiếp tục thực hiện Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của người cao tuổi ở cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi, chế độ chính sách đối với người cao tuổi ở các cấp…

Ngoài ra, kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, đảm bảo 80% trở lên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn (là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người bị bệnh hiểm nghèo) được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và trợ giúp thông qua các hình thức khác.

BHXH Hà Nội phấn đấu 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe bằng chế độ BHYT. Ảnh minh họa

BHXH Hà Nội phấn đấu 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe bằng chế độ BHYT. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ủy ban Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đưa ra chủ đề năm 2019: "Chung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi" và phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế trước năm 2020. Theo đó, các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai chỉ đạo, lồng ghép các chương trình, thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo kế hoạch nhiệm vụ đề ra, phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương và các quy định hiện hành.

Tiến tới BHYT toàn dân

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 10/2019 số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 14,898 triệu người. Đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội dần mở rộng, tỷ lệ bao phủ dần được tăng lên, ước tính hết năm 2019 đạt bao phủ là 32,5% trong tổng số lực lượng lao động. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 488.000 người, chiếm khoảng 0,9% trong lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện này vẫn còn rất nhỏ nếu so với khoảng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hiện nay. Đặc biệt đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp và khó khăn.

Để khuyến khích mọi người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với người tham gia thuộc các đối tượng khác… Từ thực tế này, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia bảo hiểm y tế nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, cần thiết kế lại chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện như điều chỉnh quy định giảm điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới chỉ còn 10 năm (hiện nay quy định là 20 năm). "Bên cạnh đó, tích hợp thêm chính sách bảo hiểm y tế để khi người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có luôn thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, thực hiện các gói Bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân". Đối với bảo hiểm y tế, theo ông Bùi Sỹ Lợi, một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…

Để đạt mục tiêu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tổ chức thực hiện Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mạnh mẽ hơn nữa, trong đó, công tác tuyên truyền phải đi tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Chính vì vậy Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành xác định rõ hơn trách nhiệm trong tuyên truyền Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng; xây dựng định hướng nội dung tuyên truyền thời gian tới, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, góp phần thực hiện Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân.

Hà Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-giai-phap-thu-hut-nguoi-dan-tham-gia-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-20191119171123215.htm