Nhiều giải pháp thay đổi văn hóa tiêu dùng hàng Việt

Với cách làm sáng tạo, nhiều hoạt động truyền thông sinh động đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt và thay đổi tư duy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Sản phẩm đặc sản vừng miền được quảng bá đa dạng tại Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh hàng Việt - năm 2020”. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN.

Sản phẩm đặc sản vừng miền được quảng bá đa dạng tại Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh hàng Việt - năm 2020”. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN.

Sau 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, văn hóa tiêu dùng Việt đang dần thay đổi và tình yêu cũng như lòng tin đối với hàng Việt của người tiêu dùng đã lan tỏa rộng khắp cả nước.
Nhận định về vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, mặc dù dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, trong lúc thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, giải pháp đầu tiên hướng tới việc hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao từ 80% - 95%; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Theo các chuyên gia, với cách làm sáng tạo, nhiều hoạt động truyền thông sinh động, hấp dẫn đã làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt và thay đổi tư duy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập, từng bước tạo kênh phân phối thông suốt giúp hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Không những thế, hàng triệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng Việt.
Để tạo sự lan tỏa sâu hơn tại thị trường nội địa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ có nhiều chương trình quảng bá cho các sản phẩm Việt để người tiêu dùng biết đến và tin cậy hàng Việt nhiều hơn nữa.
Mặt khác, Bộ tập trung tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Cùng với đó, triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ hàng Việt cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-giai-phap-thay-doi-van-hoa-tieu-dung-hang-viet/171057.html