Nhiều giải pháp tăng lượng hàng thông quan tại cụm cảng Cái Mép- Thị Vải

Tại hội thảo 'Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển và kết nối doanh nghiệp (DN) logistics khu vực Cái Mép-Thị Vải' do Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh BR-VT tổ chức ngày 17-4 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng lượng hàng thông quan tại cảng Cái Mép - Thị Vải

Tàu nước ngoài cập cảng Cái Mép. Ảnh Nguyễn Huế

Tàu nước ngoài cập cảng Cái Mép. Ảnh Nguyễn Huế

Chuyển biến tích cực

Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông – Vận tải, sau 5 năm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các nhóm bến cảng tại Cái Mép- Thị Vải (CM-TV) đã có sự chuyển biến hàng hóa tích cực giữa các cảng biển trong nhóm.

Theo đó, hàng hóa từ khu vực cảng truyền thống là TPHCM dịch chuyển ra các cảng mới là Đồng Nai và BR-VT. Cụ thể, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển TPHCM giảm dần từ 65,2% (năm 2013) xuống 55,9% (2018), trong khi đó tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển BR-VT tăng từ 30,6% lên 34,1% và cảng biển Đồng Nai từ 4,2% lên 10%. Đối với hàng hóa container cũng có sự chuyển dịch từ các cảng biển TPHCM sang các cảng biển khác. Cụ thể, năm 2013, tỷ trọng hàng hóa container thông qua các cảng biển TPHCM Đồng Nai- BR-VT tương ứng là 82%-0,2%-17,8% thì đến năm 2018 tỷ trọng này là 63,6%-6,3%-30%.

Ngoài ra, qua quá trình triển khai các giải pháp đã hạn chế sự tăng trưởng hàng hóa của cảng biển TPHCM, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Đồng Nai, BR-VT. Chỉ xét riêng hàng hóa container xuất nhập khẩu bằng tàu biển thông qua cảng biển BR-VT năm 2018 mới đạt 2,89 triệu TEUs, tuy nhiên nếu xét cả hàng hóa vận tải bằng các phương tiện thủy nội địa và xếp dỡ qua cảng đã đạt 5,29 triệu TEUs, đạt 78% công suất thiết kế của các bến cảng container.

Việc triển khai Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các nhóm bến cảng tại Cái Mép- Thị Vải, đã góp phần tạo niềm tin cho các hãng tàu mở rộng các tuyến tàu kết nối với các bến cảng khu vực CM-TV. Cụ thể, năm 2013, có 8 tuyến/tuần tàu mẹ nội Á cập khu cảng CM-TV thì nay đã tăng lên 28 tuyến tàu, trong đó 22 tuyến vận tải quốc tế và 6 tuyến vận tải nội địa.

Mặc dù quá trình triển khai thực hiện các giải pháp của đề án, hàng hóa giữa các cảng biển trong nhóm đã có sự dịch chuyển tích cực. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2018, các bến cảng tổng hợp, container khu vực CM-TV thông qua khoảng 50,6 triệu tấn đạt khoảng 56% tổng công suất thiết kế. Riêng hàng container năm 2018 thông qua các bến cảng CM-TV đạt 2,88 triệu TEUs, tuy có tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 42,4% công suất xếp dỡ của các bến cảng container trong khu vực CM-TV.

Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tại khu vực CM-TV mặc dù đã được đầu tư hạ tầng bến cảng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng khu vực hậu phương cảng chưa có trung tâm logistics, các depot (cảng cạn) công rỗng để hỗ trợ vận tải và thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần cảng. Đây là điểm hạn chế tăng chi phí vận tải đến cảng. Năm 2018 có 2,8 triệu TEUs xuất nhập khẩu qua cảng CM-TV thì chỉ có 14% lượng container sử dụng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại BR-VT, còn lại 76% sử dụng sà lan đường thủy nội địa để để về TPHCM và 10% các khu vực khác để thông quan.

Giám sát hàng hóa XNK tại cảng Cái Mép. Ảnh: Nguyễn Huế

Đề xuất nhiều giải pháp

Nhằm nâng cao nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng tại CM-TV, tại hội nghị các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Trong đó đáng chú ý là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối cảng CM-TV với các địa phương trong vùng. Đồng thời xem xét phương án đầu tư cầu Phước An nối với Nhơn Trạch và cao tốc Bến Lức - Long Thành; Sớm đưa vào quy hoạch và có chính sách khuyến khích các DN đầu tư các bến thủy nội địa, kho bãi logistics, đầu tư vào các KCN để phát triển nguồn hàng nội tỉnh; Thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành (tập trung các cơ quan kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động, thực vật, an toàn thực phẩm) và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại khu vực CM-TV nhằm góp phần giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu suất khai thác cảng.

Bên cạnh đó, cần sớm đưa vào quy hoạch các cảng có khả năng đón tàu đến 22.000 TEU tại khu vực Cái Mép (quy hoạch hiện nay cho cụm cảng nước sâu Cái Mép đón tàu trọng tải tối đa đến 100.000 DWT, khoảng 8.000 TEU), trong khi đó đó năm 2017 CMIT đã đón thành công tàu 194.000 DWT, 18.000 TEU. Việc bổ sung này sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai các dự án tiếp theo tại khu vực CM-TV nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực này. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các bến cảng cần đồng bộ với sự phát triển hệ thống khu dịch vụ hậu cần cảng (hệ thống cảng cạn, kho bãi, dịch vụ logistics…) và có quỹ đất dự trữ để đáp ứng nhu cầu phát triển; Phải gắn quy hoạch cảng với quy hoạch các KCN, quy hoạch phát triển kinh té của vùng và địa phương có cảng.

Ngoài ra, cần cắt giảm và đơn giản hóa danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và rà soát lại văn bản, thủ tục cũng như quy trình thực hiện kiểm tra chuyên nghành; cần xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể nhằm giảm bớt các thủ tục kiễm tra chuyên ngành không cần thiết ở từng cơ quan, lĩnh vực cụ thể

Về phía tỉnh BR-VT, cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các depot container rỗng, bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tráng tình trạng container hàng thì giao nhận tại Cái Mép, container thì giao nhận tại khu vực TP. HCM như hiện nay. Vì như thế vừa mất thời gian cho DN phải đi lòng vòng, vừa tăng chi phí.

Tham dự hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan BR-VT đã rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm thủ tục hải quan tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Trong thời gian qua, mọi vướng mắc phát sinh của DN đều được cơ quan Hải quan giải quyết kịp thời. Cơ quan Hải quan đang quyết tâm cải thiện tối đa về thủ tục hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho DN và cam kết sẽ giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình DN làm thủ tục hải quan

Nhằm góp phần tăng hiệu quả khai thác cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, Phó tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị, tỉnh BR-VT cần tăng đội ngũ hậu cần tại đây, phải làm sao cho được các DN tại chỗ làm thủ tục, tư vấn cho các chủ hàng các tỉnh làm thủ tục tại BR-VT trước khi đưa hàng về kho vì trên thực tế các đại lý hải quan có trụ sở tại tỉnh BR-VT còn rất ít, trong khi xu hướng các DN hiện nay chủ yếu là thuê dịch vụ để làm thủ tục hải quan

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Trình cho biết, những vướng mắc thuộc về phạm vi của tỉnh, tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ. Những vấn đề vĩ mô, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GT-VT, Chính phủ… để có chính sách hiệu quả thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng CM-TV. Theo đó, tới đây tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT: tiếp tục triển khai nạo vét luồng Vũng Tàu-Thị Vải theo đúng chuẩn tắc luồng đã được thiết kế là 14m, tiếp tục nghiên cứu nạo vét luồng đến chuẩn tắc 16m để đón các tàu container trọng tải lớn; trước mắt cho thành lập Ban Quản lý cụm Cảng biển CM-TV để quản lý các phạm vi hoạt động của cảng…

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhieu-giai-phap-tang-luong-hang-thong-quan-tai-cum-cang-cai-mep-thi-vai-103237.html