Nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở

Huyện Cao Lãnh

ĐTO - Theo UBND huyện Cao Lãnh, thời gian qua, các công trình bờ bao kết hợp giao thông nông thôn thực hiện trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả ngăn lũ bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thông đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tại một số vị trí bờ bao tiếp giáp sông lớn như: kênh Cái Bèo, kênh Cần Lố, kênh Nguyễn Văn Tiếp đi qua địa bàn xã Phong Mỹ, Nhị Mỹ, Phương Trà, Bình Hàng Trung, thị trấn Mỹ Thọ,... đã xảy ra nhiều đoạn sạt lở, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng gây mất an toàn cho các công trình, người dân lo lắng. Sạt lở là do những kênh trục chính (do tỉnh quản lý), bề rộng mặt cắt kênh khá lớn, cao trình đáy kênh tương đối sâu, làm nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới, tiêu và thoát lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo áp lực dòng chảy mạnh, áp sát bờ kết hợp nền địa chất yếu; do lưu lượng xuồng, ghe qua lại nhiều tạo ra sóng đập vào bờ, do người dân lấn chiếm lòng sông xây dựng nhà, bãi vật liệu xây dựng,... làm thu hẹp dòng chảy gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình bờ bao kết hợp lộ giao thông nông thôn không đảm bảo khoảng cách lưu không cho phép tối thiểu 2,5m, khi thi công đổ đất làm tăng tải trọng gây ra sạt lở.

Công trình kè mềm tại khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ

Công trình kè mềm tại khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ

Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, huyện đã thực hiện các giải pháp như: tuyên truyền, vận động nhân dân trên các tuyến kênh áp dụng các biện pháp phi công trình và công trình như: trồng cây chắn sóng, chất chà, nuôi lục bình dọc theo hai bên bờ kênh; đặt biển cảnh báo ở những vị trí sạt lở để hạn chế tốc độ lưu thông qua lại; quản lý xây dựng 2 bên bờ kênh chặt chẽ, không để người dân lấn chiếm lòng sông xây dựng làm thu hẹp dòng chảy gây sạt lở.

Đối với những vị trí sạt lở nhỏ, địa phương vận động người dân gia cố cừ chịu lực, dùng tấm nhựa và lưới B40 trải dọc theo chiều dài để giữ đất và bổ sung lượng đất đắp lề mái taluy lộ bằng với cao trình đường hiện trạng; đối với những vị trí sạt lở lớn sẽ tiến hành gia cố cừ giữ đất để hạn chế sạt lở thêm, đồng thời vận động người dân hiến đất mở rộng lộ vào phía trong để sử dụng ổn định và lâu dài.

Riêng đối với vị trí sạt lở đường Thiên Hộ Dương, khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ cặp kênh Cần Lố, chiều dài sạt lở 45m, vừa qua, huyện phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Công ty Cổ phần nhựa Tân Đại Hưng khảo sát, thiết kế và đưa ra giải pháp khắc phục sạt lở thí điểm bằng xây dựng kè mềm sử dụng ống cát và bao sinh thái do Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mêkông thực hiện. Kinh phí do công ty tài trợ 100%. Đến nay, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng sẽ có đánh giá hiệu quả đầu tư để nhân rộng mô hình trên toàn huyện.

Tuy nhiên, theo ông Lê Chí Thiện – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, để công tác phòng, chống sạt lở đạt hiệu quả, về lâu dài địa phương kiến nghị Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành có liên quan xây dựng đề án tổng thể, khoanh vùng các điểm sạt lở nhằm giúp địa phương và người dân nắm rõ và có giải pháp cảnh báo kịp thời. Cùng với đó, hỗ trợ huyện khảo sát sạt lở toàn tuyến kênh Cái Bèo và kênh Cần Lố để có hướng xử lý, khắc phục lâu dài...

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-phong-chong-sat-lo-88374.aspx