Nhiều giải pháp hạn chế mặt đê xuống cấp

Có mặt trên một số đoạn đê hữu Hồng, tả Đáy, tả Hồng, tả Đuống… chạy qua địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm… không khó nhận thấy bề mặt các tuyến đê đang xuống cấp nghiêm trọng.

 Gần 2km mặt đê hữu Hồng đoạn qua xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) xuống cấp nghiêm trọng.

Gần 2km mặt đê hữu Hồng đoạn qua xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ thể, trên tuyến hữu Hồng, đoạn đi qua địa bàn xã Hồng Thái, Quang Lãng, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) xuất hiện 18 vị trí mặt đê bị nứt toác, gãy khúc, lún sụt tạo thành hố 5-15cm, tổng chiều dài mặt đê bị hư hỏng khoảng 8km.

Tương tự, mặt đê hữu Hồng, đoạn qua các xã: Vạn Điểm, Thống Nhất (huyện Thường Tín) xuất hiện 10 vị trí lún nứt thành rãnh sâu từ 10 đến 15cm, chạy dọc tuyến đê, với tổng chiều dài khoảng 2km… Trên tuyến hữu Đáy, đoạn chạy qua địa bàn 9 xã ven đê của huyện Hoài Đức xuất hiện hơn 30 vị trí lún sụt, tổng chiều dài mặt đê hư hỏng khoảng 14km…

Mặt đê xuống cấp không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mà còn khiến kết cấu đê bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng phòng, chống lũ của tuyến đê… Theo đánh giá của các hạt quản lý đê: Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức… có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt đê bị xuống cấp, như: Tuyến đê được xây dựng từ lâu, vật liệu xây dựng không đồng nhất...

Đặc biệt, các tuyến đê đi qua địa bàn TP Hà Nội vừa là công trình chống lũ, vừa được sử dụng như những công trình giao thông phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh. Hơn nữa, trên các tuyến đê dọc lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình và sông Đáy có nhiều bãi chứa, điểm trung chuyển vật liệu xây dựng; dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện vượt quá tải trọng vẫn lưu thông trên đê…

Để bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế mặt đê bị xuống cấp, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, đề xuất ưu tiên đầu tư nâng cấp, gia cố mặt đê để tăng tải trọng thiết kế các tuyến đê; xây dựng các tuyến hành lang chân đê, giảm áp lực tải trọng mặt đê…

UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan cắm biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê kết hợp giao thông… Công an thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải trọng lưu thông trên đê…

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết đã yêu cầu Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão xây dựng kế hoạch và thành lập tổ công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý xe quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đê, nhất là tuyến hữu Hồng đi qua địa bàn huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, tuyến tả Đáy (huyện Hoài Đức), tuyến tả Hồng, tả Đuống thuộc địa bàn các huyện Đông Anh và Gia Lâm…

Các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên… đang tập trung kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp vận tải, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết chất tải lên xe đúng thiết kế, không lưu thông phương tiện quá tải trọng trên đê…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công cho biết, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành: Công an, Thanh tra giao thông, Quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường… tập trung tuyên truyền pháp luật đê điều, giao thông đường bộ tới các chủ bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và đội ngũ lái xe.

Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng lập các chốt kiểm tra ngay tại điểm đầu bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc tại vị trí các đường giao cắt với tuyến đê để kịp thời phát hiện, xử lý.

“Chủ tịch UBND xã, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ bị xử lý nghiêm nếu có hành vi “bảo kê” các phương tiện quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên đê...”, ông Nguyễn Thế Công khẳng định.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/918958/nhieu-giai-phap-han-che-mat-de-xuong-cap