Nhiều giải pháp gỡ 'kẹt' giao thông

Tại cuộc họp về kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, lãnh đạo ngành này nêu một số nhiệm vụ, mục tiêu sẽ thực hiện trong năm nay, trong đó có nhiều dự án, công trình, giải pháp cấp bách, trọng tâm để gỡ 'kẹt' cho tình hình giao thông của thành phố.

Dòng xe chen lấn tại các đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Dòng xe chen lấn tại các đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại cuộc họp về kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, lãnh đạo ngành này nêu một số nhiệm vụ, mục tiêu sẽ thực hiện trong năm nay, trong đó có nhiều dự án, công trình, giải pháp cấp bách, trọng tâm để gỡ “kẹt” cho tình hình giao thông của thành phố.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm, tập trung trong năm 2020, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng, tổ chức triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, sở sẽ rà soát, lập danh mục các công trình trọng điểm, cấp bách cần triển khai nhanh và trình UBND thành phố thông qua như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; khép kín vành đai 2, vành đai 3; cao tốc Bến Lức - Long Thành… Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải thành phố đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể, ưu tiên đầu tư cho giao thông có trọng tâm, nhất là tập trung thực hiện các công trình giảm ùn tắc khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm, cửa ngõ thành phố… Đồng thời, sở này cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát các hợp đồng theo hình thức BOT, BT, BOO…, bảo đảm phù hợp quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Sở cũng kiến nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo về công tác quản lý, sử dụng lòng, lề đường… Đối với Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được phát hiện thông qua hệ thống ca-mê-ra giám sát do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cung cấp. Đồng thời, quan tâm phối hợp đơn vị thuộc sở xử lý tình trạng vi phạm khi lưu thông qua các công trình cấp đặc biệt, cầu yếu, cầu hạn chế tải trọng…

Căn cứ vào kiến nghị của Sở Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhận định, trên một con đường hiện hữu có rất nhiều cơ quan quản lý về hạ tầng giao thông như cấp nước, viễn thông… Chính vì vậy, giữa Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng cần phối hợp để tránh tình trạng người đào xới, người lấp lại. Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Giao thông vận tải phải hoàn thành kế hoạch 12 đầu việc trước tháng 6-2020 như sau: Quyết định điều chỉnh lòng, lề đường; đề án hạn chế giao thông ngày và phát triển kinh tế đêm; xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng; kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân vào nội thành theo phạm vi, không làm tăng áp lực cho giao thông; đề án giảm thiểu khí thải ra môi trường. Hoàn thành việc cấm lưu thông xe 3 - 4 bánh, không được cho các phương tiện này đi vào trung tâm thành phố; phương án tổ chức, điểm dừng, đỗ cho ta-xi; đề án phát triển giao thông thủy; hoàn thành đề án trợ giá xe buýt; thẻ vé xe buýt tích hợp của tất cả phương tiện; xử phạt vi phạm, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình ảnh; cơ chế phát triển nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Tất cả những đầu việc nêu trên, ông Hoan yêu cầu Sở Giao thông vận tải trước tháng 6 năm nay phải trình tham mưu cho UBND thành phố, còn những vấn đề đã được phê duyệt thì phải nhanh chóng thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Công trình giao thông nghiên cứu quy chế, huy động nguồn lực để tiến hành các dự án, lấy xã hội hóa làm trung tâm trong quá trình đầu tư. Trước mắt, các đơn vị nghiên cứu phát triển đường trên cao cho TP Hồ Chí Minh có thể làm đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc cho xe lưu thông từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm, hay làm đường trên cao Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt… nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ ra, vào thành phố. Ông Hoan cũng đề nghị, trước tình hình kẹt xe đang đặc biệt phức tạp, ngành giao thông thành phố cần nhanh chóng nghiên cứu hạn chế xe chở hàng hóa, kể cả xe tải nhẹ lưu thông vào ban ngày và chuyển dần về đêm. Vấn đề này, ông Hoan nhìn nhận sẽ có tác động không nhỏ, đồng thời ở một số vấn đề, chi phí có thể tăng lên. Tuy nhiên, về tổng thể, việc thực hiện sẽ có hàng loạt yếu tố tích cực khác như giảm chi phí xã hội, tiết kiệm nhiên liệu, thuận lợi cho đời sống của người dân… Vì hiện nay, tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường đang phức tạp, nếu có thể chuyển hoạt động vận tải hàng hóa về đêm, sẽ giảm áp lực giao thông vào ban ngày.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43296702-nhieu-giai-phap-go-%E2%80%9Cket%E2%80%9D-giao-thong.html