Nhiều giải pháp chủ động khơi thông 'dòng chảy' kinh tế

Thời gian qua chấp hành triệt để, nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, Bộ Công Thương đã chủ động vào cuộc, có những giải pháp mang tính liên tục, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các địa phương.

“Vào cuộc” với tâm thế chủ động

Ngay dịp Tết Canh Tý, trước những diễn biến phức tạp trong thông thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Xuất khẩu chủ trì cùng với các đơn vị hữu quan nắm tình hình tại thực địa. Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên trình Chính phủ báo cáo ban đầu về tác động của dịch bệnh COVID-19 lên hoạt động của nền kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ động đề xuất với Chính phủ cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu. Chỉ ít ngày sau đó trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai câu chuyện này đã cho thấy Bộ Công Thương, trên cơ sở chấp hành nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo trong phòng chống dịch COVID`-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã chủ động vào cuộc từ rất sớm. Nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải chủ động bởi sẽ không có ai hướng dẫn chúng ta phải làm gì và cũng không thể chờ đợi gì ở thời gian.

Nhiều văn bản quan trọng cũng đã được Bộ Công Thương ban hành chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung.

Riêng tại Quyết định 481 và Chỉ thị 06, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các giải pháp và phân giao 127 nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện. Trong số này bao gồm cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt cũng như mang tính dài hạn.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy, tất cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt được Bộ Công Thương xác định tại 2 văn bản quan trọng nói trên đều đã được hoàn thành.

Cùng đó thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng có nhiều chương trình công tác, làm việc trực tiếp tại các địa phương, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hiệp hội ngành hàng để nắm được thực tiễn của doanh nghiệp và các địa phương. Trên cơ sở đó có các giải pháp đúng và trúng tháo gỡ khó khăn không chỉ cả trước mắt mà còn cả dài hơi hơn bởi dịch bệnh càng diễn biến khó lường thì vũ khí mạnh nhất, hữu hiệu nhất chính là sự chủ động.

Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều DN nhằm nắm bắt tình hình để đề xuất Chính phủ các biện pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn của dịch COVID-19

Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều DN nhằm nắm bắt tình hình để đề xuất Chính phủ các biện pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn của dịch COVID-19

Tháo gỡ khó khăn từ sự liên tục trong giải pháp

Không chỉ vào cuộc với tâm thế chủ động, nét nổi bật đáng chú ý trong thực tế điều hành của Bộ Công Thương trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là tính liên tục trong các giải pháp, biện pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

Chính sự liên tục này đã góp phần tạo niềm tin cho doanh nghiệp, địa phương và người dân cả nước vào các chính sách của Chính phủ, chung tay cùng vượt qua thách thức dịch bệnh ổn định kinh tế, tiếp tục tận dụng các cơ hội mới.

Tính liên tục của các giải pháp, biện pháp đã và đang được Bộ Công Thương đề ra và triển khai trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương cũng như khai thông thị trường, xa hơn là bảo đảm cơ sở cho nền kinh tế phát triển bình thường trở lại còn được thể hiện ở việc nó được triển khai đồng bộ, song hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Nhiều phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch thông qua nền tảng số cũng được ngành công thương liên tục triển khai. Cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các tham tán thương mại, các Vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng được thiết lập.

Xuất khẩu giờ đây không chỉ đóng vai trò rộng đường cho hàng xuất khẩu Việt Nam đi mà còn cho hàng nhập khẩu là nguồn cung đầu vào cho các ngành sản xuất quan trọng như dệt may, da giày, điện tử, ô tô... Nhờ đó hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại các tháng đầu năm cho dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ song vẫn đạt mức tích cực nếu tính đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, xuất khẩu tăng 7,5%, thặng dư thương mại đạt 3,74 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1,46 tỷ USD.

Có ý kiến nhìn nhận rằng, có được những con số này và nhiều con số tăng trưởng khác của những tháng đầu năm là do “nền kinh tế chưa mấy chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, vẫn còn nhiều thứ “ăn theo” từ cuối năm 2019”.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, dịch bệnh Covid-19 với tư cách không chỉ là là khủng hoảng y tế bình thường mà còn mang hình dáng của khủng hoảng thị trường, khủng hoảng an sinh đã tác động ngay lập tức, đồng loạt đến nền kinh tế nói chung, tăng trưởng nói riêng.

Như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, đó là câu chuyện không đơn thuần vì các mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng tới việc đem lại những giá trị mới, chất lượng mới cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia.

Trang Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-chu-dong-khoi-thong-dong-chay-kinh-te-1652813.tpo