Nhiều giải pháp căn cơ để đảm bảo ATGT đường sắt

Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, những năm gần đây số vụ TNGT đường sắt có dấu hiệu gia tăng và nguyên nhân chủ yếu vẫn liên quan đến đường ngang dân sinh. Tại Đà Nẵng, hiện có 30 đường ngang dân sinh tự phát băng qua đường sắt và hằng năm, trên cung đường sắt qua địa bàn TP cũng xảy ra hàng chục vụ TNGT đường sắt xuất phát từ đường ngang dân sinh. Chính việc người dân tự mở đường đi băng ngang đường sắt nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về TNGT mỗi khi sơ ý, mất cảnh giác.

Đường ngang dân sinh tự phát luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Một trong những "cung đen" về TNGT đường sắt là phân đoạn qua địa bàn Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ông Đoàn Ngọc Thoàn (65 tuổi, nhân viên gác chắn tại Km 778-760 trên địa bàn P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu) cho biết: "Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường sắt ở những đường ngang dân sinh tự phát. Tuyến đường này có nhiều trạm gác chắn và đều có nhân viên đứng gác. Tuy nhiên, ngoài những nơi có người gác thì có nhiều đoạn người dân tự ý mở, vô tư đi qua". Ngoài ra, cung đường sắt qua địa bàn Q. Liên Chiểu còn đi qua chợ Kim Liên và chợ Nam Ô nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Trước thực tế trên, để khắc phục tình trạng mất ATGT đường sắt, năm 2016, Cty đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp cùng UBND Q. Liên Chiểu đưa ra phương án thu hẹp đường ngang dân sinh sau khi tiến hành nghiên cứu thực tế. Theo đó, quy định đối với mỗi cửa chắn hẹp 1,2m; mỗi bên có hai cửa di động áp dụng cho trường hợp có xe cứu thương, chữa cháy... đi qua. Đồng thời hợp đồng thêm với các nhân viên gác chắn túc trực 24/24 nhằm đảm bảo an toàn mỗi khi tàu đi qua. Sau khi phương án đưa vào áp dụng, số vụ TNGT đường sắt đã giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Q. Liên Chiểu, chủ yếu là ý thức còn hạn chế của người dân khi tham gia giao thông. Ở những nơi có gác chắn thường không xảy ra tai nạn nhưng những nơi không có đường cho xe người dân vẫn vô tư băng qua đường nên rất khó kiểm soát.

Còn tại cung đường sắt dọc đường Trường Chinh (Đà Nẵng) từ cầu vượt Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm dài hơn 5km có 9 đường ngang trong đó có 5 đường ngang dân sinh vẫn ẩn chứa nhiều hiểm họa TNGT. Ở những đường ngang tự phát, có một đặc điểm chung là đường hẻm rất nhỏ nhưng lượng xe cộ, người dân qua lại rất đông. Hơn thế, nơi đây chỉ có cắm biển cảnh báo tàu hỏa mà không có người gác chắn. Chính vì vậy, tháng 9-2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt Dự án Tuyến đường gom dọc đường sắt đối với tuyến đường này với kinh phí thực hiện hơn 140 tỷ đồng. Dự án tiến hành mở rộng vỉa hè, nâng cấp đối với các đường ngang dân sinh được phép hoạt động do Bộ GTVT thống nhất và đóng cửa các đường ngang dân sinh tự phát. Đây là công trình giao thông trọng điểm, nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực, chỉnh trang đô thị, khắc phục nguy cơ tiềm ẩn TNGT đường sắt ở các đường ngang dân sinh.

"Để hoàn thành Dự án phải giải phóng mặt bằng đối với 800 hộ dân, đa số người dân đều thống nhất chủ trương và hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng tình vì vướng mặt bằng kinh doanh. Nguyện vọng của họ là tìm điểm kinh doanh tạm thời trong thời gian triển khai dự án nên chúng tôi sẽ tìm phương án hỗ trợ. Dự kiến Dự án sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018", ông Phan Đình Đức- Phó BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cho biết.

Trong khi đó, trong chuyến khảo sát các đường ngang dân sinh trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình- Giám đốc Cty Cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho hay sẽ báo cáo Tổng Cty đường sắt Việt Nam, xin ý kiến Bộ GTVT sớm triển khai Quyết định 994, tiến hành dự án đường gom, thu gom các đường dân sinh dồn về đường ngang hợp pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các đường ngang dân sinh trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.

PHI NÔNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/66_173531_nhie-u-gia-i-pha-p-can-co-de-da-m-ba-o-atgt-duo-n.aspx