Nhiều giá trị tinh thần dần mai một do truyền thông mạng xã hội

Sáng 22-5, trong phiên họp tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 của Quốc hội, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu đoàn Hải Phòng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu ý kiến quan tâm đến giá trị tinh thần của con người Việt Nam trong môi trường xã hội hiện tại, khi truyền thông và mạng xã hội phát triển mạnh đang làm mai một dần giá trị truyền thống.

Đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) phát biểu trong phiên họp tổ sáng 22-5.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Thuận Hữu đề cập đến nhiều vấn đề về tình hình kinh tế xã hội. Theo đại biểu, cần kiên quyết không để lợi ích nhóm len lỏi trong hoạch định chính sách, vào việc phê duyệt các dự án, các vụ đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

“Ở cấp Trung ương, các bộ, cục còn đâu đó bóng dáng của lợi ích nhóm len lỏi trong việc tạo chính sách. Vì thế, kết quả đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực vừa qua rất đáng hoan nghênh, thổi một luồng gió mới vào niềm tin của nhân dân, rằng Đảng và Nhà nước kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực, không có vùng cấm. Theo tôi điều này cần được đẩy mạnh”, đại biểu nói.

Một vấn đề nữa cần quan tâm nhiều hơn là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó có việc tạo công ăn việc làm trong quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi cần được đẩy mạnh, còn cứ làm như kiểu cũ thì càng làm càng nghèo đi. Trong sản xuất phải gắn với chế biến tiêu thụ nông sản để giải quyết câu chuyện giải cứu được mùa mất giá vẫn đang tiếp diễn.

Đại biểu Thuận Hữu đề xuất giải quyết bức xúc xã hội liên quan chủ yếu đến đất đai. Cần đẩy mạnh việc các cấp cơ sở lắng nghe dân để giải quyết các vụ việc bức xúc kéo dài. Cần quy trách nhiệm cho những người đừng đầu cơ sở, những tồn tại cũ thì phối hợp các ngành để xử lý. Những người đứng đầu cần trực tiếp đối thoại với dân thì mới xử lý được.

Vấn đề được đại biểu Thuận Hữu nhấn mạnh là phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Một phần không thể thiếu trong văn hóa là lễ hội, nhưng không có đất nước nào lễ hội quá nhiều như Việt Nam, hơn 8.000 lễ hội, ngày càng đẻ ra nhiều hơn, có nhiều lễ hội mai một rồi cấp xã phường lại khôi phục lại. Đó là do việc quản lý lễ hội chưa chặt chẽ.

Đại biểu Thuận Hữu cũng cho rằng cần quan tâm đến đời sống tinh thần khu vực nông thôn và công nhân ở các khu công nghiệp. “Buổi tối ngoài ti vi ra không có gì hơn, thậm chí nhiều công nhân không có ti vi để xem, chỉ nằm queo. Tôi thật sự rất đáng lo ngại đời sống tinh thần của hai khu vực này”, đại biểu nói.

Liên quan đến văn hóa còn có vấn đề quản lý truyền thông, bây giờ trẻ con bé tí lười ăn đã đưa điện thoại để xem. Trong một gia đình không có khoảng chung nào, ăn cơm vội vàng, trong khi ăn cơm cũng mỗi người một điện thoại, xong bữa ăn thì ai về phòng nấy đóng sập cửa lại.

“Chúng ta hình dung mà xem, tất cả giá trị tinh thần chúng ta tạo lập từ trước đến nay có nguy cơ ngày càng mai một. Nếu chúng ta không quản lý tốt truyền thông thì sẽ tạo nên một lớp người vô cảm, không quan tâm đến người xung quanh, không biết lo lắng cho người thân mà chỉ biết lo cho mình. Bạo lực, tâm lý tiêu xài, tệ nạn xã hội cũng nảy sinh từ đó, gây nên hậu quả nghiêm trọng, vì từ nhỏ đến lớn đắm chìm trong môi trường đó”, đồng chí Thuận Hữu lo ngại.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Thủ tướng quan tâm quy hoạch báo chí mà Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua. Song song đó là mạng xã hội cần được tập trung quan tâm của cả hệ thống chính trị vì nó gây ra những hậu quả khôn lường.

Vấn đề cuối cùng đại biểu Thuận Hữu cho rằng, mỗi một chính sách khi ban hành trước hết phải nghĩ đến dân. Vừa rồi có câu chuyện thuế tài sản gây thắc mắc hoài nghi. Nhiều nước đánh thuế tài sản nhưng phải cân nhắc điểm xuất phát của giá trị tài sản, thời gian thực hiện việc đó… Hiện nay có cảm giác phí chồng phí, khi đánh thuế tài sản này thì phải thôi phí khác. Thuế môi trường với xăng cũng là tận thu. Thuế nhiều gây bất bình trong xã hội, làm mất động lực sản xuất của người dân.

NHÓM PHÓNG VIÊN ghi. Ảnh: VŨ ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36467902-nhieu-gia-tri-tinh-than-dan-mai-mot-do-truyen-thong-mang-xa-hoi.html