Nhiều gam màu sáng trong bức tranh thu hút đầu tư

Nhận định vai trò đặc biệt quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nâng tầm vị thế ĐBSCL, nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào đây.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng còn đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng kết nối đầu tư ở những thị trường trọng điểm, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vì thế, bức tranh thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL đã có nhiều khởi sắc...

Tín hiệu khởi sắc

Theo thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 8 tháng qua, ÐBSCL thu hút được 119 dự án mới với tổng vốn đầu tư khoảng 4,487 tỷ USD. Nếu tính cả vốn tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần thì toàn vùng thu hút thêm gần 4,99 tỷ USD. 10/13 tỉnh, thành phố trong vùng có dự án FDI mới (trừ Cà Mau, Ðồng Tháp và Sóc Trăng). Toàn vùng hiện có 1.781 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký khoảng 27,76 tỷ USD.

 Đồng bằng sông Cửu Long thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Đồng bằng sông Cửu Long thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Kết quả thu hút đầu tư những tháng đầu năm 2020 cho thấy, vùng ĐBSCL đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật trong thu hút đầu tư phải kể đến tỉnh Bạc Liêu có 145 dự án, gồm 130 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 40.557,69 tỷ đồng và 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,491 tỷ USD. Trong đó, có 9 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư 121.403,33 tỷ đồng; 16 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đầu tư 5.690,5 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu tháng 1-2020, tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu của Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd, quy mô công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD. Đây được xem là dự án động lực của tỉnh và là dự án FDI có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL.

Cùng với Bạc Liêu, thời gian gần đây, Hậu Giang nổi lên như vùng “kinh tế trọng điểm” mới của khu vực ĐBSCL khi thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư bất động sản-một trong những điểm yếu của thu hút đầu tư vùng ĐBSCL thời gian qua. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: "Vốn FDI đầu tư vào tỉnh tăng trưởng liên tục. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 87,79% vốn đăng ký, đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hồng Công (Trung Quốc) đang dẫn đầu về vốn FDI vào tỉnh với 4 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 281 triệu USD. Sự góp mặt của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư và quy mô sản xuất lớn góp phần giúp Hậu Giang có sự chuyển mình về kinh tế”.

Không chỉ nguồn vốn và số doanh nghiệp đầu tư tăng lên mà điểm sáng mới cho bức tranh thu hút đầu tư của ĐBSCL còn được kể đến khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực như: Bất động sản, nông nghiệp và công nghệ thông tin... Theo thống kê, vùng ĐBSCL có gần 200 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, với vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn FDI cả nước. Ông Toshinao Tanaka, Tổng giám đốc Công ty Takesho Food & Ingredients (Nhật Bản)-một trong những nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL cho hay: Takesho Food & Ingredients và Trường Đại học Cần Thơ có những trao đổi về việc sử dụng công nghệ mới trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là nông sản, thủy sản nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. “Chúng tôi thống nhất và bắt đầu thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu trên, dựa vào những kết quả nghiên cứu đã đạt được. Nhận thấy những lợi thế về hạ tầng của TP Cần Thơ, tiềm năng về nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên phong phú, công ty quyết định đầu tư tại TP Cần Thơ”, ông Toshinao Tanaka nói.

Sự tích cực từ địa phương

Từ năm 2017 đến nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã thực hiện các cuộc xúc tiến đầu tư quy mô lớn, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Tại những hội nghị này, nhiều giấy chứng nhận đầu tư của các dự án có quy mô lớn được lãnh đạo tỉnh trao trực tiếp cho nhà đầu tư.

Giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút đầu tư.

Theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Định hướng phát triển của TP Cần Thơ luôn gắn liền với những tiềm năng, thế mạnh của vùng, đó là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, hạ tầng logistics cảng biển... Do đó, Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược quan trọng trong hợp tác đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển của TP Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. Để tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản, TP Cần Thơ không ngừng hoàn thiện hạ tầng và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, như: Thành lập Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản; thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) nhằm kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

Cùng với sự tích cực của địa phương thì sự quan tâm đầu tư từ Chính phủ, nhất là về hạ tầng giao thông góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ ở vùng ĐBSCL. “Đến nay, ĐBSCL sở hữu và hưởng lợi 9 công trình giao thông liên vùng kết nối TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Có thể kể đến đường vành đai 3, vành đai 4; cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ-Cà Mau, Quốc lộ 60, Quốc lộ N2 và 4 công trình kết nối trục ngang ĐBSCL với Campuchia, gồm các quốc lộ: 62, 30, 91 và 80. Đây là 9 công trình giao thông được Chính phủ xác định cần ưu tiên thực hiện đồng bộ trong giai đoạn 2020-2030. Đặc biệt, tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận đến nay đã hoàn thành 50% khối lượng công trình và bảo đảm thông xe trong năm 2020 đúng như cam kết của các nhà đầu tư với Chính phủ. Các dự án hoàn thành sẽ tạo cú hích lớn cho vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định.

Bài và ảnh: NGỌC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhieu-gam-mau-sang-trong-buc-tranh-thu-hut-dau-tu-634215