Nhiều FTA chưa được TPHCM khai thác hiệu quả

Việc tham gia các FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong mở cửa thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, có một số FTA chưa được doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả khiến cho mức tăng trưởng về thương mại chưa tương xứng với kỳ vọng.

Nông sản là một trong những nhóm hàng có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU theo EVFTA. Ảnh: N.H

Nông sản là một trong những nhóm hàng có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU theo EVFTA. Ảnh: N.H

Ngày 25/9, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo Tận dụng EVFTA trong bối cảnh Covid-19: cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp, dệt may, da giày.

Nhiều FTA chưa được khai thác tốt

Hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Đặc biệt, có FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn và chất lượng rất cao là CPTPP và EVFTA.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, xét riêng 25 đối tác có FTA với Việt Nam (kể cả song phương và khu vực), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM qua các thị trường đều tăng qua các năm trong giai đoạn 2015-2019, chiếm tỷ trọng hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của TPHCM. Trong giai đoạn 2015-2019, cán cân xuất nhập khẩu của TPHCM với các nước có FTA với Việt Nam cũng là nhập siêu, nhưng có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số FTA chưa được khai thác tốt. Điển hình như với khu vực ASEAN, sau khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015, mức nhập siêu của TPHCM từ ASEAN có xu hướng tăng.

Tương tự với Hàn Quốc, Việt Nam ký kết và tham gia 2 FTA với Hàn Quốc là AKFTA (có hiệu lực từ 6/2007) và VKFTA (có hiệu lực từ 20/12/2015). Từ năm 2007, TPHCM vẫn nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2016, sau khi VKFTA có hiệu lực, mức nhập siêu tăng mạnh và tiếp tục tăng qua các năm; mức nhập siêu năm 2019 gấp 1,89 lần năm 2015. “Điều này phản ánh các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng ưu đãi từ VKFTA tốt hơn doanh nghiệp TPHCM” – ông An đánh giá.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đánh giá, nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng đượ̣c lợi thế, cơ hội từ các FTA, xuất khẩu một số ngành hàng tăng nhưng giá trị gia tăng đem lại không cao, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công. Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao.

Theo các chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất để hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA là khả năng đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa, thông qua việc cấp các C/O ưu đãi. Tỷ lệ tận dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA tăng dần trong thời gian qua nhưng vẫn còn hạn chế; trong đó, cao nhất là Ấn Độ (form AI) với 72% và thấp nhất là Nhật Bản (form VJ) với 8%.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tốt hơn do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô và các quy tắc khác đối với nông sản chế biến. Trong khi đó, mặt hàng công nghiệp có tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao do quy tắc xuất xứ đối với nhóm hàng công nghiệp về cơ bản phức tạp và khó đáp ứng hơn.

Lý giải về điều này, ông An cho rằng bản thân doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm thực sự đến các FTA. Nội dung các FTA thông thường liên quan nhiều đến hoạt động tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn hoạt động kinh doanh, thể chế… nên chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn hoặc có nhu cầu xuất khẩu. Trong khi việc thực thi FTA chưa gắn liền với lợi ích và hoạt động hàng ngày của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trừ một số hội, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng mạnh như VASEP, HAWA…, nhiều hội, hiệp hội ở địa phương còn hạn chế về năng lực, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ được các doanh nghiệp tiếp cận thông tin hội nhập chuyên ngành.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA

Với EVFTA, EU là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống trong hơn 30 năm qua của TPHCM. Hiện EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TPHCM, đồng thời là đối tác xuất khẩu thứ ba và đối tác nhập thứ hai của TPHCM.

Theo báo cáo của Trung tâm hội nhập quốc tế TPHCM, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang EU đạt 5 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM; kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 3,6 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD. Nhập khẩu từ châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định, xuất khẩu có xu hƣớng tăng nhẹ. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là ngành dệt may, giày dép.

Việc thực thi hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp TPHCM và EU tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư. Nhất là trong điều kiện Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang có sự kiểm soát dịch bệnh tốt, là môi trường lý tưởng và an toàn cho các nhà đầu tư EU.

Theo Trung tâm hội nhập quốc tế TPHCM, thời gian tới, để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả những lợi ích của EVFTA, TPHCM sẽ tăng cường tập huấn chuyên sâu về EVFTA cho từng nhóm DN, không dàn trải mà tập trung vào vấn đề DN cần như về quy tắc xuất xứ hàng hóa. TPHCM cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường các nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TPHCM.

Đặc biệt, do TPHCM là cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu của cả khu vực phía Nam. Do đó, chiến lược của TPHCM là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu phát triển về hạ tầng logictis, để cùng với các tỉnh đưa hàng hóa vào châu Âu nhanh hơn với chi phí thấp hơn.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-fta-chua-duoc-tphcm-khai-thac-hieu-qua-134058.html