Nhiều dự án phân bón đã có lãi

Trong hơn chục dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, thì lĩnh vực phân bón chiếm khoảng một phần ba. Chính vì vậy, việc 'hồi sinh' các dự án này là một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Ngay từ đầu năm nay, nhằm đẩy mạnh thực hiện phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) 3 năm (2018-2020) Vinachem đã chỉ đạo 4 đơn vị là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; CTCP DAP - Vinachem; CTCP DAP số 2 - Vinachem khắc phục mọi khó khăn, ổn định và nâng cao sản lượng sản xuất, tăng cường tiêu thụ sản phẩm...

Ảnh minh họa

Nhiều tín hiệu khả quan

Kết quả đến hết quý I/2018, hoạt động SXKD của cả 4 đơn vị nói trên đều có nhiều tín hiệu khả quan: tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận quý I/2018 của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 8 tỷ đồng so với quý I/2017. Công ty đã tổ chức chạy lại máy thành công và bám sát phương án SXKD. Thời gian chạy máy trong quý I là 57 ngày, phụ tải trung bình hệ thống đối với sản xuất NH3 đạt khoảng 78%, sản xuất ure đạt khoảng 75%. Tình hình tiêu thụ quý I của công ty cũng có nhiều thuận lợi do đúng mùa vụ, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ ngay, lượng tồn kho không có, giá bán sản phẩm tăng…

Trong khi đó quý I/2018, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc còn lỗ 86,25 tỷ đồng (theo kế hoạch lỗ 162 tỷ đồng), giảm lỗ so với quý I/2017 là 88,75 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm lỗ là do định mức tiêu hao giảm làm giảm chi phí nguyên vật liệu, giá bán tăng, giá than giảm, phụ tải bình quân của dây chuyền cao (tính theo số ngày chạy máy) đạt 91,96%. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố lại làm tăng chi phí SXKD, như chi phí tài chính, khấu hao tài sản cố định, chi phí bán hàng.

Còn tại CTCP DAP số 2 - Vinachem, quý I/2018, lợi nhuận tăng 53,501 tỷ đồng so với quý I/2017. Đại diện đơn vị này cho biết, là do tác động của việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP/MAP nhập khẩu nên tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước đầu năm có nhiều thuận lợi, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 19,51% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, từ khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (ngày 2/3/2018) với mức thuế tự vệ giảm từ 1,855 triệu đồng/tấn xuống còn 1,128 triệu đồng/tấn, giá DAP trong nước có chiều hướng giảm, thị trường tiêu thụ trong nước có dấu hiệu chững lại.

Sản lượng sản xuất DAP trong quý I/2018 đạt 98,05% so với cùng kỳ do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu NH3, công ty phải gián đoạn sản xuất mất 10 ngày. Lợi nhuận quý I/2018 tăng so với quý I/2017 là 53,501 tỷ đồng.

Với CTCP DAP số 2 - Vinachem, lợi nhuận quý I/2018 của công ty cũng tăng 183 tỷ đồng so với quý I/2017. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 95,3% kế hoạch quý I, do trong dịp Tết Nguyên đán nhà cung cấp NH3 gặp sự cố, nhà cung cấp apatit dừng sản xuất do đó công ty phải dừng sản xuất (tháng 2 chỉ chạy máy được 12 ngày, sản xuất được 12.333/20.000 tấn DAP).

Quyết liệt tiết giảm lỗ

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, để có được con số giảm lỗ tích cực trong quý I năm nay, cả 4 đơn vị đều quyết tâm nỗ lực tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc tiết giảm chi phí được đặt lên hàng đầu.

Cụ thể, tổng tiết giảm chi phí SXKD quý I/2018 của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 12,18 tỷ đồng. Trong đó, các định mức tiêu hao chính đều bằng và thấp hơn định mức kế hoạch. CTCP DAP - Vinachem tiết giảm được 10,838 tỷ đồng. Chủ yếu là tiết giảm chi phí vận chuyển quặng, tiết giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu. CTCP DAP số 2 - Vinachem tiết giảm được 4,78 tỷ đồng do giảm các định mức tiêu hao...

Có thể thấy, việc quyết tâm tiết giảm chi phí sản xuất đã được các đơn vị quán triệt và thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, để không chỉ giảm lỗ mà còn có lãi, các nhà máy vẫn còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Nhất là bài toán về vốn và bên cạnh đó là sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).

Hiện tất cả các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem đều phải chịu chi phí thêm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng do Luật số 71/2014/QH13. Chính vì thế, các đơn vị đều kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật này, đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất từ 0-5%, thay cho quy định đang có hiệu lực “không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra” như hiện nay.

Bên cạnh đó, do khó nhất là về vốn nên các đơn vị cũng đề nghị được điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức ưu đãi nhất; giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm; khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019…

Theo dự kiến, hiệu quả hoạt động của 12 dự án do Bộ Công thương quản lý sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Đây cũng là nội dung đã được Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rốt ráo chỉ đạo tháo gỡ. Hàng loạt những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các dự án này đã được Phó Thủ tướng chỉ ra của 12 dự án, nhà máy là khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được…

Phó Thủ tướng đã yêu cầu các dự án, nhà máy phải sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước theo lộ trình hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án này. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ tại các dự án, nhà máy trên.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhieu-du-an-phan-bon-da-co-lai-75745.html