Nhiều dự án FDI chưa chú ý đến vấn đề an ninh quốc phòng

Thông tin nhiều dự án FDI chưa bền vững, chưa chú ý đến vấn đề an ninh quốc phòng vừa được đưa ra trong báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Bộ KH-ĐT.

Thu hút FDI còn nhiều hạn chế - Ảnh minh họa

Nhiều dự án FDI còn hạn chế

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký giai đoạn 2016-2018 ước đạt 51,3 tỉ USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ của giai đoạn 2011-2013 và tăng 22,8% so với kế hoạch.

Vốn thực hiện trong giai đoạn này có bước chuyển biến lớn, tăng mạnh vào năm 2017, đạt 17,5 tỉ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Với việc tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, dự kiến khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu trong các năm tới.

Tuy nhiên, mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt kỳ vọng, tỷ lệ các dự án FDI công nghệ cao thấp và việc thực hiện chuyển giao công nghệ cũng chưa đạt kết quả mong muốn. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao.

Trong khi đó, một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức, sự am hiểu về pháp luật tại Việt Nam, kinh nghiệm quản lý và trách nhiệm đối với xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động…

GDP đầu người thấp xa so với mục tiêu

Tốc độ gia tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn liên tục, ước tính năm 2018 đạt 6,7%. Bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 6,57% (cao hơn giai đoạn 2011-2015). Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,9%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng GDP bình quân dự kiến đạt 6,71%.

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2017 đạt hơn 5 triệu tỉ đồng (223,7 tỉ USD); ước tính năm 2018 đạt 5,5 triệu tỉ đồng (khoảng 240,5 tỉ USD), thấp hơn nhiều so với quy mô dự kiến 6,03-6,17 triệu tỉ đồng trong kế hoạch đề ra.

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 2.109 USD/người năm 2015 lên 2.389 USD/người năm 2017 và ước tính đạt 2.540 USD/người năm 2018, nhưng thấp xa so với mục tiêu đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020.

Tăng trưởng dịch chuyển sang chiều sâu

Theo báo cáo nói trên của Bộ KH-ĐT, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn.

Trong 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt 42,18%. Nếu so sánh với giai đoạn 2011-2015, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp được cải thiện đáng kể tăng khoảng 8,6%.

Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, ước tính năm 2018 đạt 102,3 triệu đồng/lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2018 thấp hơn 2017 do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì mức tăng trưởng cao nhưng thấp hơn so với năm 2017.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 17% năm 2015 xuống 15,34% năm 2017 và ước tính năm 2018 còn 14,44%.

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13,69% năm 2015 lên 14,27% năm 2016; 15,33% năm 2017 và ước tính đạt 16,21% trong 6 tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng vẫn chưa thay đổi rõ nét. Năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn. Tốc độ gia tăng thâm dụng vốn (được đo bằng số vốn bình quân/lao động) tăng từ 5,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2017, nâng mức đóng góp của vốn vào tăng năng suất lần lượt lên 58,9% và 55,8%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp.

Nợ công giảm xuống 61,4% GDP năm 2018

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 2 năm 2016 và 2017 đều vượt dự toán; tỷ lệ huy động NSNN bình quân 24-25% GDP (từ thuế, phí khoảng 21% GDP). Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, thu nội địa đạt 80% tổng thu cân đối. Dự kiến thu cân đối NSNN giai đoạn 2016-2018 khoảng 3,7-3,8 triệu tỉ đồng, bằng 54-55% kế hoạch, bằng khoảng 89% tổng số thu ngân sách giai đoạn 2011-2015.

Điều hành chi NSNN triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Dự kiến đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP (cuối năm 2016 là 63,8%), nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 49,9% GDP.

Tỷ giá, lãi suất đã ổn định và theo chiều hướng giảm dần, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại diễn biến trong biên độ cho phép, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống tốt; Kiểm soát chặt chẽ nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ đảm bảo phù hợp với chủ trương về hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Thị trường vàng, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp, không còn các cơn sốt vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá trên thị trường.

Cán cân xuất nhập khẩu chuyển dịch từ thâm hụt sang thặng dư và lần đầu tiên, xuất khẩu đạt trên 200 tỉ USD năm 2017. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 13,36%/năm, cao hơn mục tiêu kế hoạch 5 năm (10%). Quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Tuy nhiên, công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế là rất lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc trong khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Nợ xấu chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động đánh giá, xếp loại tổ chức tín dụng không còn phù hợp với thực tế nhưng chậm được ban hành thay thế...

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/nhieu-du-an-fdi-chua-chu-y-den-van-de-an-ninh-quoc-phong-95895.html