Nhiều dự án điện mặt trời hưởng giá mua điện cố định

Bộ Công Thương đề xuất phê duyệt dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hướng mở rộng đối tượng dự án được hưởng giá mua điện cố định (FIT).

Theo đó, sẽ có 36 dự án điện mặt trời (có chủ trương đầu tư) với tổng công suất gần 3.000 MW sẽ được áp dụng giá mua điện FIT nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Trường hợp được phê duyệt, các dự án mặt đất sẽ được áp dụng giá mua điện cố định là 7,09 cent/kWh (tương đương 1.620 đồng/kWh), các dự án điện nổi trên mặt nước là 7,69 cent/kWh (tương đương 1.758 đồng/kWh).

Tính đến cuối tháng 6/2019 có khoảng gần 4.500 MW điện mặt trời đã phát điện.

Tính đến cuối tháng 6/2019 có khoảng gần 4.500 MW điện mặt trời đã phát điện.

Trước đó, Bộ Công Thương xác định chỉ có 7 dự án điện mặt trời đã kí Hợp đồng mua bán điện (PPA) với tổng công suất khoảng 320 MW đã kí PPA được hưởng giá mua điện cố định (FIT).

Đây đều là những dự án đã có thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thiết kế kĩ thuật (trong trường hợp dự án thiết kế theo 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trong trường hớp dự án thiết kế theo 2 bước) tính đến ngày 23/11/2019.

Bộ Công Thương cho hay thời gian qua nhận nhiều kiến nghị của các chủ đầu tư dự án điện mặt trời về việc được tiếp tục áp giá điện cố định giai đoạn sau 30/6/2019.

Cũng theo Bộ Công Thương, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh thu hút các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện mặt trời bổ sung quy hoạch. Cụ thể, đến cuối 2018, Bộ Công Thương nhận được các đề xuất bổ sung 360 dự án điện mặt trời với tổng quy mô công suất khoảng 24.000 MW, đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW.

Tính đến cuối tháng 6/2019 có khoảng gần 4.500 MW điện mặt trời đã phát điện. Đây là tín hiệu cho thấy tính tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ công khai, minh bạch, phù hợp với các quy hoạch của địa phương, quy hoạch phát triển điện lực và hiệu quả đầu tư dự án.

Nhu cầu bổ sung quy hoạch điện mặt trời đã vượt quá so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tuy nhiên cũng cần thực hiện theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và phù hợp với cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ.

“Với trách nhiệm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương nhận thấy trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, các dự án nguồn điện lớn tiếp tục chậm tiến độ, thiếu nước cho phát nguồn thủy điện thì việc bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao…”, Bộ Công Thương cho biết.

H.B

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-te/nhieu-du-an-dien-mat-troi-huong-gia-mua-dien-co-dinh-ar528536.html