Nhiều dự án đầu tư thuộc các bộ, DNNN không hiệu quả

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan này phát hiện, tới 42.744 tỉ đồng của 43 dự án thuộc các bộ, địa phương và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có dấu hiệu đầu tư 'không hiệu quả' theo một số tiêu chí do bộ này đề xuất.

Nhiều dự án của Vinalines vẫn thua lỗ, thiếu hiệu quả. Ảnh: TL

Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố có 12 dự án yếu kém của ngành có tổng mức đầu tư là 63.610 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỉ đồng, còn lại 47.000 tỉ đồng là vốn vay.

Như vậy, tổng số tiền đầu tư vào các dự án thua lỗ, kém hiệu quả đã được công bố lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, chưa kể tiền lãi. Con số này đã vượt quá số nợ kỷ lục của Vinashin trước đây (hơn 86.700 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2009).

Vấn đề ở chỗ, số vốn 42.744 tỉ đồng đầu tư không hiệu quả của 43 dự án trên là chưa đầy đủ do nhiều bộ, ngành, địa phương và DNNN chưa báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong khi đó, một số bộ, địa phương quản lý nhiều doanh nghiệp nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội...; một số tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, một số tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị… chưa gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nổi bật trong các bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ này có 27 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (11 dự án), Tổng công ty Cà phê (13 dự án), Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long (3 dự án), với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 909,76 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào các nhóm là nhóm dự án đã tạm dừng hoạt động (13 dự án), nhóm dự án đang sản xuất, vận hành nhưng thua lỗ (8 dự án).

Bên cạnh đó là Bộ Giao thông Vận tải, vẫn với 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Tuy nhiên, bộ này không báo cáo cụ thể về các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả của SBIC theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong khi đó, 3 dự án đầu tư của Vinalines có dấu hiệu không hiệu quả là dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.177,7 tỉ đồng. Dự án đã dừng thực hiện từ năm 2012 và hiện đang làm thủ tục bàn giao cho Cục Hàng hải. Hai dự án còn lại là dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Cui có tổng mức phê duyệt sau cùng là 829,8 tỉ đồng, lợi nhuận đạt thấp hơn rất nhiều so với dự án được phê duyệt; dự án đầu tư xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng có tổng mức đầu tư phê duyệt sau cùng là 352,95 tỉ đồng, dự án bị thua lỗ từ khi đưa vào khai thác.

Công ty con - Công ty TNHH MTV Sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines) có dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam với tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.490 tỉ đồng. Dự án bắt đầu thực hiện đầu tư từ năm 2008, đến hết tháng 4-2017 Vinalines đã hoàn thành công tác thoái vốn và thu về một phần vốn đã đầu tư, tương đương 81,787 tỉ đồng.

Công ty con – Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông (thuộc Vinanlines) có 2 dự án đóng mới tàu container, tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 1.140,66 tỉ đồng. Hai dự án hiện đang lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay, với tổng số lỗ lũy kế là 1.608 tỉ đồng.

Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang vận hành dự án phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-2. Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 5.462 tỉ đồng, được đưa vào vận hành từ năm 2012, tỷ lệ lấp đầy tại thời điểm hiện tại mới đạt 30%. Tính từ năm 2012 đến năm 2016, dự án lỗ 1.209 tỉ đồng.

Tư Hoàng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164870/nhieu-du-an-dau-tu-thuoc-cac-bo-dnnn-khong-hieu-qua.html