Nhiều dự án của PVN đầu tư ra nước ngoài chưa rõ hiệu quả

Giai đoạn làm Tổng giám đốc PVEP - ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cùng Hội đồng thành viên PVEP được PVN giao cho triển khai hàng chục dự án góp vốn, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Tuy nhiên, 13 dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của PVN thì hầu hết không hiệu quả.

Liên quan đến việc Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) vừa có văn bản gửi Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) cho biết đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN, theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, giai đoạn triển khai sự án này, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi đó đang làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 với sự hợp tác của liên doanh Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP thuộc PVN) và Tổng công ty dầu khí Venezuela (CVP) được thực hiện từ năm 2006 tại bang Monagas, Venezuela, cách thủ đô Caracas 450 km. Đây là một trong những dự án dầu khí lớn nhất của PVN tại nước ngoài nhằm mục đích đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho phát triển đất nước.

 Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Theo tính toán, trữ lượng thu hồi khai thác tại dự án này trong 25 năm là gần 1,5 tỷ thùng dầu, trường hợp gia hạn thêm 15 năm khai thác có thể lên tới 2,5 tỷ thùng dầu. Sản lượng khai thác ban đầu là 50.000 thùng/ngày và đạt đỉnh 200.000 thùng/ngày vào năm 2015. Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 2009-2014 là hơn 1,8 tỷ USD. Để thực hiện dự án, PVEP góp 40% vốn để lập Công ty liên doanh PetroMacareo. Tuy nhiên, dự án không có tiến triển nên phải tạm dừng cuối năm 2013.

Tại báo cáo phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì 13 dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của PVN hầu hết không hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại cho đối tác nước ngoài. Trong số 13 dự án, chỉ có 2 dự án lô Nhenhexky góp vốn đầu tư 533,22 triệu USD (Nga), lô 433a&416b (Algeria) góp vốn 1,26 tỷ USD có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, Dự án Junin 2 (Venezuela), góp vốn 1,82 tỷ USD cho giai đoạn 1. Hiện đang tạm dừng triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo 431 của Văn phòng Chính phủ từ năm 2013.

Ngoài dự án Junin 2 tại Venezuela, PVEP cũng đầu tư một loạt dự án tại Peru, Mexico, Conggo... hiện chưa rõ hiệu quả đầu tư.

Trong đó, đáng chú ý, dự án lô 67 (Peru), PVN tham gia dự án từ năm 2012 với 50% quyền lợi tham gia thông qua việc mua và sở hữu hơn 52,6% cổ phẩn của công ty Perenco Peru Limited tại Bahamas – là công ty sở hữu 95% quyền lợi tham gia tại dự án với số tiền 647,4 triệu USD. PVEP góp vốn tham gia dự án bằng doanh thu và tiền hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 117 triệu USD.

Cũng tại Peru, dự án lô 39 được PVN quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư cuối năm 2011 trên cơ sở tờ trình của PVEP, tổng vốn 323,6 triệu USD. Tổng công ty góp vốn tính đến thời điểm 2017 số tiền 75,5 triệu USD (trong đó 61,5 triệu USD phí tham gia 35% hợp đồng và 14 triệu USD chi phí đầu tư). Dự án hiện đang tạm dừng triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, hiện tại dự án lô 67 vad lô 39 (Peru) đang chuyển nhượng cho đối tác.

Các dự án như lô PM 304 (Malaysia) đang kiến nghị chuyển nhượng 15% vốn góp. Dự án tại lô Danan (Iran), PVEP đầu tư 100% với mục đích thăm dò dầu khí với thời gian thực hiện 25 năm, góp vốn 82,07 triệu USD. Tuy nhiên, hiện PVEP đã có công văn 309 ngày 27/8/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin tạm chưa tái khởi động dự án, tiếp tục thực hiện phương án tạm dùng/giãn tiến độ.

Dự án thăm dò lô Marine XI (Conggo), PVEP tham gia 8,5% và gánh vốn cho công ty nước chủ nhà 1,5% trong giai đoạn thăm dò với mục tiêu thực hiện tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí trong diện tích của lô. Tuy nhiên, hiện đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp. Bộ Dầu Conggo đã phê duyệt chuyển nhượng ngày 6/7/2017. Hai bên đang gấp rút hoạt động chuyển nhượng và PVEP đóng pháp nhân tại Conggo. Tuy nhiên hiện đang gặp khó khăn về minh giải điều khoản Quyền ưu tiên mua trước trong JOA.

Tại lô M2 (Myanmar), PVEP tham gia 45%. Do tiềm năng khí còn nhiều rủi ro, ngày 26/5/2017, Hội đồng thành viên PVEP đã ban hành nghị quyết về việc chấn thuận chủ trương dừng dự án từ ngày 30/9/2016 để phù hợp với giấy chứng nhận đầu tư của dự án này. Cũng tại Myanmar, lô MD2 (PVEP góp vốn 3,08 triệu USD) và lô MD4 (PVEP đầu tư 1,76 triệu USD) hiện cũng chưa rõ hiệu quả đầu tư.

Tại lô XV (Campuchia), PVEP là chủ đầu tư 100% góp vốn 72,46 triệu USD từ quỹ thăm dò tìm kiếm của PVN đang chuyển nhượng vốn góp.

Tại dự án Lô SK305-Malaysia, năm 2007, PVN phê duyệt báo cáo đầu tư dài hạn giai đoạn thăm dò lô SK305-Malaysia và Quyết định điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 292,2 triệu USD. Dự án cũng được phía các cơ quan chức năng đánh giá có nhiều tồn tại, dừng khai thác 2015, nhưng chưa làm thủ tục kết thúc do PVEP chưa chuyển tiền thu dọn mỏ, số tiền còn nợ 53,5 triệu USD. Dự án không hiệu quả, Hội đồng thành viên PVEP phê duyệt báo cáo kế hoạch phát triển làm phát sinh lỗ 31,49 triệu USD.

Theo văn bản của Bộ Công thương, đến nay các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc đầu tư thua lỗ lớn, kéo dài và tiềm ẩn rủi ro tài chính tại PVEP.

Thiên Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nhieu-du-an-cua-pvn-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-chua-ro-hieu-qua-1198145.html