Nhiều dự án BOT trở thành 'cục nợ'

Từ vị thế từng được xem như 'gà đẻ trứng vàng', tới nay nhiều dự án hạ tầng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) ở khu vực phía Nam đã trở thành 'cục nợ' chậm trả, thậm chí là có nguy cơ vỡ nợ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có cả trạm thu BOT phải tạm dừng hoạt động do phạm pháp, việc thu hồi vốn gặp khó khăn, không như tính toán ban đầu. Kéo theo đó là nhiều dự án BOT trở thành nợ xấu, chưa biết ngày thu hồi và các ngân hàng cũng tỏ ra e dè khi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư hạ tầng thu phí.

Trong thời gian 3 năm qua, lần lượt nhiều dự án BOT ở khu vực phía Nam bị tạm dừng, thậm chí phải tuyên bố hủy bỏ vĩnh viễn. Đó là dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), dự án BOT TP HCM - Trung Lương hay BOT T2 (Quốc lộ 91) đều dừng hoạt động hay bị dỡ bỏ. Việc thu hồi nguồn vốn đầu tư cho dự án đã xây dựng gặp nhiều khó khăn. Cá biệt như trạm BOT T2 đã phải dừng hoạt động vĩnh viễn hay trạm BOT Cai Lậy chưa xây dựng được phương án khả thi thu hồi vốn. Chưa nói đến nguyên nhân của các trạm BOT này nhưng việc không thu phí theo tính toán khiến dòng vốn bị ảnh hưởng rất lớn.

Điều đáng nói, hiện chưa có phương án giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả. Như trạm BOT T2 sau khi bị dỡ bỏ thì phương án thu hồi vốn cho dự án xây dựng tuyến Quốc lộ 91 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tương tự là dự án BOT Cai Lậy, dù đã có hàng loạt phương án được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa được thu phí trở lại. Với số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, việc bị chậm trễ thu hồi vốn nhiều năm khiến các phương án thu hồi đều bị phá sản. Trong khi đó, dù không trở thành “cục nợ” nhưng dự án BOT cao tốc Trung Lương-TP HCM dừng thu phí hơn một năm qua cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách.

Theo nhiều chuyên gia về hạ tầng giao thông, dù chưa có báo cáo chi tiết nhưng việc các trạm BOT gặp trục trặc trong thu phí chắc chắn khiến dự án đó gặp khó khăn, khoản nợ cũ (vay để xây) sẽ chồng thêm cùng nợ mới (lãi phát sinh). Do hầu hết các dự án hạ tầng này đều sử dụng nguồn vốn vay hệ thống ngân hàng nên dòng tiền đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra, khi các dự án trước gặp khó khăn, doanh nghiệp đầu tư và ngân hàng sẽ rất dè dặt để đầu tư các dự án tiếp theo. Đó là lý do mà hàng loạt dự án hạ tầng cầu, đường ở khu vực phía Nam đã phải hủy bỏ, thay đổi phương thức đầu tư do lo ngại phương án thu phí BOT gặp khó.

Việc kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng để kích thích, thúc đẩy sự phát triển kinh tế là điều đúng đắn. Tuy nhiên, việc đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định để các dự án này phát huy đúng theo tính toán cũng là điều vô cùng cần thiết.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-du-an-bot-tro-thanh-cuc-no-524945.html