Nhiều đổi mới về cơ chế tài chính, tăng quyền lợi cho người bệnh

Theo đại diện Bộ Y tế, hiện cơ quan này đang xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Ngày 4/6, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nam Liên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng).

Lãnh đạo các Vụ, cục của Bộ Y tế tham dự gặp mặt báo chí. Ảnh: DN

Lãnh đạo các Vụ, cục của Bộ Y tế tham dự gặp mặt báo chí. Ảnh: DN

Theo lộ trình, năm 2019 Bộ Y tế còn 2 bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Cụ thể, bước 1, điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng; bước 2, tính chi phí quản lý.

Tuy nhiên, theo ông Liên việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội. Theo đó, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021.

Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài theo Nghị quyết TW 20 của Chính phủ, thực hiện các quy định của pháp luật, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư.

Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Riêng đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Bộ Y tế quy định thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu nhưng không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, cơ quan này cũng đang xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho y tế, phát triển y tế tư nhân, tạo điều kiện để các cơ sở y tế vay vốn, huy động vốn, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị.

Đồng thời đại diện bộ Y tế cũng khẳng định cơ quan này sẽ triển khai mạnh việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, để giảm giá thuốc, tăng khả năng cân đối của quỹ BHYT.

“Bộ Y tế đang đề xuất cơ chế việc đấu thầu, đàm phán giá cấp quốc gia trong thời gian tới theo hướng tổ chức đấu thầu hoặc đàm phán giá để xác định “giá trần” và xếp hạng các nhà thầu, giao cho các đơn vị, địa phương tự quyết định việc mua sắm, có thể đấu thầu hoặc mua trực tiếp trong số các nhà thầu đã được xếp hạng nhưng không được vượt “giá trần” đã công bố”, ông Liên thông tin.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhieu-doi-moi-ve-co-che-tai-chinh-tang-quyen-loi-cho-nguoi-benh-106014.html