Nhiều đổi mới, sáng tạo trong phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở

Trong thời gian qua, các cấp CĐ đã xác định công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS là một nhiệm vụ thường xuyên - trọng tâm. Mỗi đơn vị đều có những hoạt động thiết thực, hiệu quả nên đã thu hút người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức CĐ một cách mạnh mẽ và được người sử dụng lao động tin tưởng, tạo điều kiện để thành lập tổ chức CĐ tại doanh nghiệp (DN).

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Hưng Yên tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn dịp Tháng Công nhân 2018. Ảnh: H.A

Xây dựng nhóm công nhân nòng cốt

Cùng với sự gia tăng số lượng CNLĐ, CĐ các KCN tỉnh Hải Dương đã có nhiều đổi mới trong việc vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Ví dụ như CĐ các KCN cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh ban hành quy chế phối hợp công tác trong đó có phối hợp công tác đoàn viên và thành lập CĐCS; ra văn bản phối hợp chỉ đạo việc thành lập CĐ theo quy định của pháp luật; cung cấp số lượng DN cấp phép đầu tư hằng tháng.

Công tác tuyên truyền để kết nạp đoàn viên CĐ được CĐ các KCN tỉnh chỉ đạo tập trung có trọng điểm đến CNLĐ, như tuyên truyền đến toàn thể CNLĐ hoặc theo từng nhóm lao động, từng đối tượng lao động, chủ sử dụng lao động kết hợp phát tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của NLĐ để NLĐ thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia vào tổ chức CĐ.

Đồng chí Phạm Hồng Hải - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hải Dương - cho biết, một yếu tố không thể thiếu được đó là sự phối hợp giữa CĐ các KCN với Ban Quản lý các KCN tỉnh, các ngành chức năng, địa phương để giải quyết kịp thời các vụ “phản ứng tập thể” của NLĐ, giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc vi phạm về chính sách, chế độ đối với NLĐ.

Tổ chức tư vấn pháp luật cho nhiều cá nhân, tập thể trong đó có cả chủ DN nước ngoài qua Tổ tư vấn pháp luật của CĐ các KCN, qua đó đã hạn chế tranh chấp lao động xảy ra, quyền lợi NLĐ được đảm bảo. Do vậy mà NLĐ, chủ sử dụng lao động đã đặt niềm tin vào CĐ, tự nguyện làm đơn xin gia nhập tổ chức CĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển CĐ trong các KCN.

Hiện nay, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phần lớn là DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, số lượng lao động ít; một bộ phận NLĐ không chịu tham gia vào tổ chức CĐ, còn chủ sử dụng lao động ngại khi có tổ chức CĐ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, do vậy họ không tạo điều kiện cho NLĐ tham gia tổ chức CĐ, thành lập CĐCS.

Trước thực trạng trên, các cấp CĐ đã áp dụng biện pháp xây dựng nhóm công nhân, lao động nòng cốt để bồi dưỡng kiến thức về CĐ và vận động họ gia nhập tổ chức CĐ; hướng dẫn từng bước đổi mới quy trình vận động thành lập CĐCS trong cơ quan, tổ chức, DN theo hướng tăng sự chủ động của NLĐ trong việc thành lập CĐCS.

Với những giải pháp cụ thể, số đoàn viên phát triển mới ngày càng tăng cao. 5 năm qua, các cấp CĐ trong tỉnh Hưng Yên đã phát triển được 52.477 đoàn viên so với chỉ tiêu phát triển 47.500 đoàn viên được Tổng LĐLĐVN giao (đạt 110,4%), thành lập mới 299 CĐCS (trong đó có 10 CĐCS được thành lập theo phương pháp mới, theo Điều 17 Điều lệ CĐ Việt Nam).

Cần có phụ cấp xứng đáng cho cán bộ CĐ ở cơ sở

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng NLĐ bỏ việc làm ở DN này sang DN khác đang diễn ra khá phổ biến, do vậy vấn đề quản lý đoàn viên cũng gặp không ít những khó khăn. Hơn nữa nhận thức của NLĐ còn rất hạn chế, thậm chí họ cũng không quan tâm đến những quyền và lợi ích của họ; mặt khác một số DN không quan tâm tới các hoạt động của tổ chức CĐ.

Trong khi đội ngũ cán bộ chủ chốt làm công tác CĐ chủ yếu là kiêm nhiệm lại trực tiếp được người sử dụng lao động trả lương, do vậy có những mặt này mặt kia phải chịu tác động của người người sử dụng lao động. Vấn đề kiểm tra của các ngành chức năng đối với việc giám sát, kiểm tra đối với DN liên quan đến việc thực hiện các chế độ chính sách của NLĐ cũng còn chưa thường xuyên.

Bên cạnh đó vai trò, trách nhiệm của một số CĐCS còn hạn chế nên đã làm ảnh hưởng tới niềm tin của đoàn viên, CNLĐ đối với tổ chức CĐ.

Từ thực trạng nêu trên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) Đinh Sỹ Phúc cho rằng, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ, có chính sách cụ thể về xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN tập trung, với giá ưu đãi hoặc trả góp phù hợp với điều kiện thu nhập và sinh hoạt của NLĐ.

Mặt khác, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, kiên quyết xử lý các sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ chính sách đối với NLĐ và các DN đủ điều kiện nhưng chưa chấp hành việc thành lập CĐCS theo quy định.

Lãnh đạo CĐ các cấp cần phân công cán bộ xuống địa bàn, nắm bắt tình hình tư tưởng NLĐ và tình hình hoạt động của DN. Sau khi có các dữ liệu của từng DN, đối chiếu với tiêu chuẩn thành lập tổ chức CĐ, CĐ cấp trên cơ sở phân loại và lập danh sách những đơn vị đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ.

Mục đích là xác định cho được những DN đủ điều kiện thành lập CĐ để các buổi làm việc bàn về việc thành lập tổ chức CĐ không dàn trải, không mất thời gian và đem lại hiệu quả cao.

Theo ông Đinh Sỹ Phúc, đặc biệt cần phải xây dựng một đội ngũ làm công tác CĐ thực sự có năng lực, trình độ, uy tín trước tập thể NLĐ, phải thực sự là người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đồng thời phải có nguồn phụ cấp xứng đáng nhằm hỗ trợ cho cán bộ làm công tác CĐ tại cơ sở và có chính sách thỏa đáng nhằm bảo vệ cán bộ CĐ, để cán bộ CĐ yên tâm công tác.

MINH BÙI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-doi-moi-sang-tao-trong-phat-trien-doan-vien-thanh-lap-cong-doan-co-so-630523.ldo