Nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay thời hậu COVID-19

Cho tới thời điểm này đã gần 3 tháng, Việt Nam không có người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, các doanh nghiệp đã khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đang có hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó hơn 2 triệu người mất việc làm, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống.

2,4 triệu người bị mất việc làm

Suốt từ sau Tết tới giờ, chị Hằng chỉ ở nhà vì công ty cũng đã ngừng hoạt động. Công ty chị làm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, dù trước Tết Nguyên đán đã có gần chục đơn hàng với nhu cầu tuyển gần 100 lao động, tuy nhiên dịch bệnh đã khiến mọi kế hoạch bị phá sản.

“Sau Tết, công ty trả cho 50% lương để hỗ trợ anh em. Tuy nhiên từ tháng 4 tới giờ thì cũng phải cắt khoản hỗ trợ này vì tất cả thị trường đều đóng băng, không đưa được người nào đi. Hôm trước, giám đốc nói nếu tình hình dịch bệnh thế này thì chắc sẽ phải dừng hoạt động đến sang năm. Hai tháng nay tôi đã đi tìm việc nhưng đi đến chỗ nào cũng thấy thông báo đang cho nhân viên nghỉ việc”, chị Hằng than thở.

Cũng như chị Hằng, chị Thanh là nhân viên một công ty du lịch. Khách hàng của công ty nhiều năm qua là khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ trước Tết Nguyên đán tới giờ, mọi hợp đồng đều đã phải tạm dừng nên công ty đành cho nhân viên tạm nghỉ việc.

“Mọi năm, tầm này nhân viên văn phòng như bọn tôi làm tối mắt vì lo sắp xếp lịch cho các đoàn vì quá nhiều đoàn vào cùng lúc. Nhưng năm nay 70% nhân viên đã phải tạm nghỉ. Công ty cũng hoạt động cầm chừng vì khách nội địa cũng ít. Hai vợ chồng tôi đều làm du lịch nên dịch bệnh thế mãi thì gay”, chị Thanh nói.

Nhưng hiện có hàng chục triệu lao động đang trong tình cảnh như chị Hằng, chị Thanh. Theo Tổng cục Thống kê, trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý II-2020, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, tại Việt Nam trong quý II có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý II-2020 tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước.

Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua. Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6-2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỉ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.

Ngay cả với những người may mắn có việc làm thì cũng bị giảm thu nhập. So với cùng kỳ năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II-2020 khu vực dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%. Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của quý II/2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, cho biết thu nhập bình quân tháng của lao động quý II-2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến tháng 6-2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Tính đến tháng 6-2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Cần đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng

Để khắc phục khó khăn, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 5 khuyến nghị liên quan tới tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam:

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, bảo đảm chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn chịu tổn thương.

Thứ ba, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải.

Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động chưa sử dụng hết tiềm năng tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trong trạng thái bình thường mới.

Thứ năm, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới hậu dịch bệnh.

Như Long

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhieu-doanh-nghiep-van-loay-hoay-thoi-hau-covid-19-603005/