Nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì quy định mới trong phòng cháy chữa cháy

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý, các doanh nghiệp đã phản ánh, nhiều quy định mới trong phòng cháy chữa cháy của Việt Nam còn vượt cả nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam...

Ngày 1/6, tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần phải khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy và quy chuẩn liên quan đến vấn đề này.

Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, các doanh nghiệp đã phản ánh, nhiều quy định mới trong phòng cháy chữa cháy của Việt Nam còn vượt cả nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam. Nhiều công trình được đầu tư theo phương án cũ đảm bảo quy định tại Nghị định số 97/2014 nay lại thẩm định và yêu cầu tuân thủ theo những quy định mới được ban hành tại Nghị định 136/2020. Việc này phát sinh nhiều vướng mắc, làm tăng thời gian, tăng chi phí…

Nhiều quy chuẩn, quy định mới vừa ban hành không phân được quy mô dự án, tính chất công trình, quy định yêu cầu sử dụng, vật liệu chống cháy như sơn, vữa chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam.

Chính vì không nghiệm thu được công trình mới nên sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đóng cửa. Theo số liệu của Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng), quy chuẩn 06 có hiệu lực từ 16/1/2023, tính đến tháng 4/2023, thì chưa có công trình nào đưa vào hoạt động kể từ khi quy chuẩn 06 có hiệu lực.

Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị Chính phủ quan tâm đến những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy, rất khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện. Điều này phát sinh thêm kinh phí, vật liệu nên có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

Quy định mới về phòng cháy, chữa cháy cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định ngành nghề nào phải có quy định chặt chẽ về phòng cháy, chữa cháy...

Một là, cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng. Không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng.

Hai là, khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ.

Ba là, cần phải có các quy định chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư trước ngày quy chuẩn mới có hiệu lực thi hành chỉ phải chịu ràng buộc theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Bốn là, cần phân loại ngành nghề để áp dụng quy chuẩn ngành nghề nào, nguy cơ cháy cao thì phải quy định đầu tư phòng cháy, chữa cháy thật tốt; ngành nghề nào khó cháy, thậm chí là không thể tránh thì không nên bắt buộc đầu tư quá nhiều cho chi phí phòng cháy, chữa cháy.

Năm là, phần lớn kết luận nguyên nhân gây ra cháy, nổ là do chập điện. Do vậy, kiến nghị cần sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn an toàn thiết kế và thiết lập hệ thống điện trong dân dụng và điện công nghiệp.

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý mong những vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội nước nhà.

Song Hoàng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-doanh-nghiep-se-phai-dong-cua-vi-quy-dinh-moi-trong-phong-chay-chua-chay.htm