Nhiều doanh nghiệp không phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác đã và đang diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, khiến dư luận bức xúc...

Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ.

Mỏ đá ở xã Xuân Lĩnh đã ngừng khai thác từ lâu, nhưng vẫn chưa được hoàn thổ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 155 mỏ khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép đã hết thời hạn giấy phép khai thác, trong đó 40 mỏ chưa đi vào khai thác và 115 mỏ đã và đang hoạt động. Để triển khai thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản yêu cầu, đôn đốc các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, đã có 72/115 mỏ lập đề án đóng cửa.

Đến một số mỏ khai thác đá trên địa bàn xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân và phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, chúng tôi nhận thấy, một số mỏ đã đến thời hạn phải đóng cửa nhưng vẫn hoạt động bình thường, không hề có động thái hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường. Trong đó có những mỏ, doanh nghiệp đã di dời khỏi địa bàn từ lâu, nhưng không tiến hành hoàn thổ. Số khác thì doanh nghiệp làm qua loa theo kiểu chống đối, nơi dễ làm và nơi mọi người dễ nhìn thấy thì cho san lấp, trồng cây, còn những nơi khó quan sát, đường vào khó thì vẫn để nguyên. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở xã Xuân Lĩnh và xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân.

Mỏ đá ở phường Đậu Liêu doanh nghiệp báo cáo đã hoàn thổ, nhưng vách đá vẫn dựng đứng và mặt đất vẫn còn những bờ ngăn cách nguy hiểm.

Ông Trần Quốc Sơn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cổng Khánh (Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh) cho biết: “Trên địa bàn có 18 mỏ khai thác đá, hiện vẫn còn 5 mỏ hoạt động, số còn lại đã hết hạn khai thác, nhưng hầu như chưa thấy hoàn thổ. Một số mỏ có thực hiện hoàn thổ, nhưng chỉ làm chiếu lệ, cây cối họ vừa trồng đã chết hết. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để sau khai thác, các doanh nghiệp trả lại môi sinh bảo đảm cho người dân sinh sống trên địa bàn”.

Còn bà Nguyễn Thị Tám (thôn 2, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân) than phiền: "Trên địa bàn có nhiều mỏ đá nên người dân chúng tôi phải chịu phiền phức rất lớn. Mùa khô khi thì bụi mù mịt, tiếng nổ mìn, xe vào ra vận chuyển đá hoạt động liên tục ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đến khi mỏ đá đóng cửa thì không khác bãi “chiến trường”, rất nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại khu vực này".

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Hiện trên địa bàn có 2 mỏ đá còn thời hạn khai thác, 6 mỏ đã hết thời hạn. Việc dừng khai thác đã được UBND phường thông báo tới các chủ doanh nghiệp từ năm 2015 và đến năm 2017 mới tiến hành đóng mỏ. Thế nhưng, đến nay cơ bản các mỏ đã hết thời hạn vẫn có đơn xin gia hạn để tiếp tục làm những phần công việc còn lại. Quá trình các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, UBND phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng pháp luật”.

Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định. Trường hợp các đơn vị không chấp hành, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”...

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/nhieu-doanh-nghiep-khong-phuc-hoi-moi-truong-sau-khai-thac-khoang-san-535268