Nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép ưu đãi nhưng cơ quan thuế từ chối áp dụng

'Có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép với mức ưu đãi cụ thể và đã thực hiện theo đúng nội dung ưu đãi này. Nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra, cơ quan thuế lại từ chối áp dụng, phủ nhận những ưu đãi mà doanh nghiệp đã được cấp', đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan cho biết tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF) diễn ra ngày 4/12.

Nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép ưu đãi nhưng cơ quan thuế từ chối áp dụng. (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép ưu đãi nhưng cơ quan thuế từ chối áp dụng. (Ảnh minh họa)

Nêu lên những bất cập trong việc thi hành chính sách thuế và hải quan ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan cho hay trong thời gian vừa qua, Chính phủ thực sự quan tâm đến việc đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao: điển hình là các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, tháo gỡ ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp về thuế; chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; sửa đổi Luật chứng khoán nhằm cải thiện các điều kiện đầu tư gián tiếp nước ngoài.

“Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, vẫn còn những tồn đọng trong việc thực thi chính sách về thuế và hải quan làm ảnh hướng đến động cơ và tâm lý của các nhà đầu tư khi gia nhập thị trường hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Những vấn đề này đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và trở thành vấn đề vướng mắc kéo dài của nhiều doanh nghiệp”, đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan cho hay.

Về vấn đề bảo hộ đầu tư, nhóm này khẳng định đối với nhà đầu tư, các loại giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp có ý nghĩa như một bản cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư. Đây là tài liệu quan trọng đảm bảo cho hoạt động đầu tư của họ vào Việt Nam. Pháp luật đầu tư luôn khẳng định nguyên tắc bảo hộ đầu tư, theo đó trường hợp quy định mới có ưu đãi đầu tư thấp hơn so với mức ưu đãi đã được quy định tại giấy phép, nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định như đã nêu tại giấy phép.

Trong một số trường hợp, cơ quan thuế cho rằng cơ quan cấp phép đã làm sai khi cấp những ưu đãi đó cho nhà đầu tư nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp nộp phạt do kê khai sai thuế.

“Từ phương diện nhà đầu tư, họ cho rằng Chính phủ đã không thực hiện đúng như cam kết, không tôn trọng nguyên tắc bảo hộ đầu tư và cho rằng cơ quan thuế đang bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, chịu thiệt hại đối với lỗi sai do chính cơ quan chính phủ gây ra.

Những tình huống như vậy thường gây bức xúc lớn và mất lòng tin của các nhà đầu tư, họ sẽ lên tiếng tại các diễn đàn và cộng đồng các nhà đầu tư, theo đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và khả năng thu hút các nhà đầu tư mới. Thực tế là có những trường hợp gây khiếu kiện kéo dài”, đại diện nhóm công tác nêu.

Từ các thực trạng nêu trên, nhóm này đề xuất trong trường hợp cơ quan nhà nước Việt Nam cấp phép ghi sai ưu đãi thuế trên giấy chứng nhận đầu tư thì đó nên là trách nhiệm của cơ quan cấp phép, doanh nghiệp không nên vì vậy mà bị buộc phải gánh hậu quả.

Cơ quan này cũng cho rằng việc ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nên được thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp nếu đã đảm bảo điều kiện được hưởng ưu đãi.

“Trường hợp cơ quan cấp phép rà soát thấy giấy chứng nhận đầu tư cấp bị sai thì nên có giải thích với nhà đầu tư để sửa đổi điều khoản ghi sai, khi đó doanh nghiệp sẽ chỉ phải thực hiện tính thuế theo giấy chứng nhận điều chỉnh kể từ ngày điều chỉnh ghi trên giấy chứng nhận đầu tư”, đại diện nhóm phân tích.

Không dừng lại ở đó, nhóm này cũng nêu lên một thực trạng đó là ưu đãi của một số nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam nhưng lại bị bác bỏ, mặc dù giấy phép đã ghi rõ trên đó các ưu đãi đầu tư (kể cả ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp).

Nhóm này cũng khẳng định những ưu đãi trên giấy chứng nhận đầu tư hoàn toàn phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Do đó, nhóm này khẳng định đây thực sự là một vấn đề lớn vì nhà đầu tư luôn tin tưởng rằng giấy chứng nhận đầu tư được cấp hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam là văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến việc thành lập và hoạt động của dự án, thể hiện sự cam kết từ phía Nhà nước Việt Nam về một môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã căn cứ vào giấy chứng nhận đầu tư và các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa ra các quyết định về phát triển và tăng vốn đầu tư ở Việt Nam.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết rằng đây là vấn đề đang vướng mắc của một số nhà đầu tư, nhưng dường như cơ quan thuế mới chỉ xem xét cho một vài nhà đầu tư từ một số quốc gia, chứ chưa giải quyết đồng bộ và nhất quán vấn đề này.

"Điều này đi ngược với nguyên tắc tối huệ quốc được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư 2005 và tại Luật Đầu tư 2014 hiện hành, cụ thể là tại Khoản 4 Điều 5 Luật Đầu tư 2014 theo đó ‘Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế’ ”, Nhóm Công tác thuế và hải quan khẳng định thêm.

Theo đó, nhóm này đề xuất đề nghị cơ quan thuế địa phương tôn trọng các cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như thực hiện đúng nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Anh Phan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhieu-doanh-nghiep-duoc-cap-giay-phep-uu-dai-nhung-co-quan-thue-tu-choi-ap-dung-20180504224216842.htm