Nhiều doanh nghiệp đề xuất tăng số giờ làm thêm cho người lao động

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam khắt khe hơn rất nhiều so với các nước khác. Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam và hạn chế sự phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo,…

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thời gian làm thêm nên để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận và quyết định

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thời gian làm thêm nên để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận và quyết định

Trong tháng 5/2019, dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là quy định về số giờ làm thêm của người lao động. Theo đó, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm, trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ trong một năm.

Thời gian tối đa 400 giờ/năm này trong dự thảo đã được nới thêm 100 giờ so với Bộ Luật lao động hiện hành. Tại hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật lao động từ cộng đồng doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 14/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc tăng thời gian làm thêm giờ là cần thiết do tiền lương tối thiểu thấp và thu nhập của người dân không đủ sống.

Bên cạnh đó, việc làm thêm cũng cần thiết bởi có công việc mang tính thời vụ, cần tập trung làm thêm giờ vào một vài thời điểm trong năm. Việc làm thêm cũng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hội nhập của doanh nghiệp.

Tuy nhiên đại diện của nhiều doanh nghiệp cho rằng giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam vẫn còn khắt khe hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia. Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam và khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo,…

Mỗi ngành nghề có những tính chất công việc, môi trường lao động đặc thù khác nhau. Mỗi doanh nghiệp có những đặc thù về môi trường làm việc. Do đó, quy định chung một mức giới hạn làm thêm giờ là quá cứng nhắc, thời gian làm thêm nên để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận và quyết định.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đồng tình với quan điểm bỏ quy định giờ làm thêm theo tháng bởi 30 giờ/tháng là quá ngặt nghèo cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may.

Ông Cẩm cũng kiến nghị số giờ làm thêm nên được nới rộng ra, lên khoảng 50% so với luật hiện hành. Cụ thể, thời gian làm thêm tối đa đối với các ngành bình thường là 300 giờ còn các ngành đặc biệt là 450 giờ.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì kiến nghị cần bảo đảm tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 400 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 500 giờ trong một năm.

AmCham cũng đồng tình với đại diện VITAS trong việc nâng mức trần lên 300 giờ/năm và đối với các trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm để phù hợp với thức tiễn.

“Theo dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, thời gian làm thêm tối đa tại các doanh nghiệp bình thường là 200 giờ trong khi một số trường hợp đặc biệt gấp đôi là 400 giờ. Điều này sẽ có thể tạo nên một sự so sánh hoặc phân biệt đối xử”, đại diện AmCham nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề trả tiền làm thêm cho người lao động, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng đánh giá, những quy định trong luật hiện hành như tiền lương giờ làm thêm, tăng lương tối thiểu hàng năm trong khi năng suất lao động không tăng… là những điều cản trở doanh nghiệp phát triển.

“Nếu lao động trong 8 tiếng làm việc không xong thì anh phải thêm giờ làm cho xong, sao doanh nghiệp không được phạt người lao động mà lại phải trả lương cho họ khi họ làm sau 8 tiếng", ông Thịnh chỉ ra.

Thừa nhận dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi còn có những điểm hơi nặng về ưu tiên cho người lao động hơn với lý lẽ người lao động ở thế yếu so với người sử dụng lao động, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần phải nhìn nhận và có những điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên quan điểm của ông Lợi vẫn là nghiêng về phía người lao động tuy nhiên ưu tiên phải hết sức thỏa đáng.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhieu-doanh-nghiep-de-xuat-tang-so-gio-lam-them-cho-nguoi-lao-dong-1557827186348.htm