Nhiều doanh nghiệp còn lơ mơ về CPTPP

Một trong nhiều nguyên nhân khiến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa phát huy hiệu quả rõ rệt sau hai năm thực thi tại Việt Nam, đó chính là việc không ít doanh nghiệp còn lơ mơ về CPTPP và thị trường các nước thành viên.

Tại Hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam - đánh giá góc nhìn từ doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho hay, sau khi khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp với câu hỏi “Doanh nghiệp biết gì về CPTPP?”, tỷ lệ trả lời cho thấy “CPTPP được nghe nói nhiều, nhưng không biết sâu”.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi có “nghe nói hoặc biết qua” 69,16%; chỉ có 19,81% doanh nghiệp được hỏi “biết khá rõ” và 4,81% doanh nghiệp “biết rõ”. Tỷ lệ doanh nghiệp hoàn toàn không biết gì về hiệp định này là 5,84%.

Đáng chú ý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) biết về CPTPP nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp phản hồi cho rằng CPTPP có tác động tích cực đến thị trường, đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nhưng “không quá tốt”.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu kỹ thông tin về CPTPP (ảnh: BT)

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu kỹ thông tin về CPTPP (ảnh: BT)

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Thu Trang, với 3/4 doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam (từ ngày 14/1/2019), các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai hàng trăm cuộc hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về hiệp định. Bộ Công Thương, VCCI mở riêng một trang thông tin về các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP… Vậy nhưng, tại nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về CPTPP, vẫn có không ít doanh nghiệp đặt câu hỏi đơn giản, lơ mơ về các cam kết của hiệp định...

Điều này cho thấy sự thiếu chủ động hoặc quan tâm nửa vời về các vấn đề liên quan thiết thực tới hoạt động của doanh nghiệp trong làm ăn với đối tác quốc tế, ngay cả khi rất nhiều thuận lợi được mở ra. Bên cạnh đó, hiệu quả thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP của các cơ quan chức năng chưa cao.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thông qua khảo sát 51% doanh nghiệp đánh giá cho thấy, sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong tương lai, cùng với đó là các biến động và bất định của thị trường. Bên cạnh đó, các yếu tố đến từ phía các cơ quan nhà nước như thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp, vướng mắc và thiếu linh hoạt; một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp... cũng là nhóm các lực cản khiến cho doanh nghiệp khó hoặc chậm tiếp cận với các lợi thế từ Hiệp định CPTPP.

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, ngoài việc doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu kỹ thông tin về CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác; các cơ quan chức năng cũng cần đổi mới, có các biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể. Qua đó mỗi doanh nghiệp có giải pháp để tận dụng hiệu quả những lợi thế của CPTPP mang lại.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-doanh-nghiep-con-lo-mo-ve-cptpp-121283.html