Nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam 'sụp đổ hy vọng' với POR 14

Thuế CBPG của cá tra trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đã khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản 'sụp đổ hy vọng'.

Liên tiếp 2 năm cá tra chịu thuế cao

Vừa qua, Bộ thương mại Mĩ (DOC) đã đưa ra kết quả cuối cùng trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14), cho giai đoạn từ 1.8.2016 -31.7.2017, thuế CBPG cá tra Việt Nam đối với bị đơn bắt buộc là Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương là 3,87 USD/kg và Công ty Cổ phần thủy sản Biển Đông chịu thuế bị đơn tự nguyện là 0,19 USD/kg.

Chia sẻ tại ĐHCĐ sáng 26.4, bà Trương Tuyết Hoa, thành viên HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), cho biết công ty chịu thuế là 0USD. Có 5 công ty khác chịu mức thuế 1,37 USD/kg, là NTSF Seafoods Joint Stock Company, C.P Vietnam Corporation, Cuu Long Fish Joint Stock Company, Green Farms Seafood Joint Stock Company và Vinh Quang Fisheries Corporation.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp thuế CBPG cá tra ở mức cao. Năm ngoái, trong đợt xem xét mức thuế Chống bán phá giá POR13, ngoại trừ Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông là 0,19 USD/kg thì các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế cao, từ mức từ 3,87 USD/kg trở lên. Thậm chí, có những doanh nghiệp chịu thuế 7,74USD/kg.

Với mức thuế của năm nay, các doanh nghiệp cá tra gần như bị chặn cửa vào thị trường Mỹ, đặc biệt là Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương. Đơn vị này từng chia sẻ, thuế CBPG POR14 sẽ quyết định tình hình kinh doanh của Hùng Vương trong 2019.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương, từng dự kiến công ty này sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ và trả được hết nợ nếu năm nay thuế vào Mỹ thấp. Hùng Vương đặt cược tất cả hy vọng vào “ván bài” tại thị trường Mỹ, vì vậy những ngày tết âm lịch vừa qua, Hùng Vương đã huy động hơn 2 triệu USD và 100 nhân sự cùng kết hợp soạn hồ sơ cho thuế CBPG lần này. Dù vậy, kết quả mới nhất đã không như ông Minh kỳ vọng.

Nhiều thị trường cũng bị khó

Không vào được Mĩ, các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường xuất khẩu vào những thị trường khác như châu Âu, Trung Quốc…Tuy nhiên, hai thị trường này cũng đều có những bất lợi.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra vào châu Âu trong 3 tháng đầu năm tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tháng 6.2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) sẽ sang Việt Nam kiểm tra về tình hình chống khai thác IUU.

Nếu kết quả kiểm tra không đáp ứng được các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU thì nguy cơ cao thủy sản Việt sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, tức là tất cả sản phẩm thủy hải sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

Còn thị trường Trung Quốc, theo số liệu thống kê Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm sang thị trường trung Quốc đạt 99,3 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tại Trung Quốc, ngành nuôi cá tra vẫn đang phát triển nhanh chóng và đã bắt đầu đáp ứng một phần nhu cầu cá tra nội địa mà trước đây nguồn cung này phần lớn nhập từ Việt Nam. Hiện nước này có 20 nhà máy chế biến cá tra nuôi đang sản xuất tại Nam Trung Quốc với sản lượng khoảng 30.000 tấn.

Thị trường Trung Quốc cũng đang siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông lâm thủy hải sản từ Việt Nam. Theo đó, hiện chỉ có 13 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vào đây. Với thuế vào Mĩ tăng cao, Trung Quốc giảm nhập khẩu, thị trường châu Âu đang treo “thẻ vàng”, các doanh nghiệp thủy sản cá tra bị áp thuế sẽ có một năm kinh doanh nhiều khó khăn.

Minh Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/nhieu-doanh-nghiep-ca-tra-viet-nam-sup-do-hy-vong-voi-por-14-3328822/