'Nhiều đoàn Thanh tra lợi dụng đóng dấu mật để không công khai, minh bạch'

Chiều 27/5, Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc sử dụng đất đai đô thị kể từ sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến 2018. Tại đây, đã ghi nhận nhiều đóng góp sâu sắc của các đại biểu, chỉ ra những điểm được và chưa được của bản báo cáo.

Công tác thanh tra còn nhiều vấn đề

Nhận định về báo cáo trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) cho rằng, số liệu một số đại biểu đã chỉ ra, liên quan tới báo cáo của các địa phương, chậm không đầy đủ. “Tôi nghiên cứu 5 phụ lục thể hiện điều này. Tôi nghĩ số liệu không đầy đủ, toàn diện không thể đánh giá được thực trạng. Số liệu minh họa cho thực trạng. Nó cũng là thực trạng chung cho giám sát”.

Toàn cảnh phiên họp ngày 27/5. Ảnh Ngọc Thắng

Toàn cảnh phiên họp ngày 27/5. Ảnh Ngọc Thắng

Từ đó, ĐB Hồng cho nêu ý kiến: “Các địa phương, Chính phủ phải báo cáo đầy đủ thông tin, không thể địa phương có, địa phương không. Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng phải nghiêm khắc chuyện này”.

Đi vào cụ thể, ông Hồng cho rằng, nội dung, nhiều vấn đề chưa đề cập thỏa đáng, chưa chỉ ra nguyên nhân nêu trong báo cáo: “Hiện nay, những vấn đề đánh giá nguyên nhân, tồn tại nếu bỏ đi chủ đề phía sau, thì các báo cáo đều có nguyên nhân, tồn tại thế này cả. Vấn đề đặt ra là báo cáo giám sát phải tầm cao hơn. Ví dụ, chính sách trải thảm đỏ địa phương thu hút nhà đầu tư thì có dẫn tới tồn tại trong báo cáo này không. Nhiều địa phương cấp giấy phép cho ví dụ cấp rừng phòng hộ làm sân golf. Thứ 2, có phải sức ép thu ngân sách nên các địa phương tích cực khai thác nguồn ngân sách thừa quyền sử dụng đất. Trong cơ cấu ngân sách đây là vấn đề”.

Một vấn đề cử tri vô cùng quan tâm đó là việc minh bạch, đấu giá, đấu thầu, lợi ích nhóm được ông Hồng nêu ra tại nghị trường: “Việc đấu giá, định giá, thất thoát lớn nhất ở đây chúng tôi nghiên cứu báo cáo Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Môi trường. Các doanh nghiệp núp bóng để can thiệp chuyện đấu giá”.

Rồi ông tiếp tục nêu sự chưa hiệu quả trong công tác thanh tra: “Tôi nghiên cứu nhiều báo cáo thanh tra, có vấn đề về hiệu lực hiệu quả, năng lực phẩm chất của đội làm công tác này. Thanh tra về xây dựng các địa phương, hơn 10.000 cuộc thanh tra, nhưng chỉ kiến nghị thu được 1 tỷ đồng. Đề nghị các cơ quan thanh tra nghiên cứu vấn đề này”.

Một vấn đề khác gây bức xúc từ công tác thanh tra cũng được ông Hồng nêu: “Việc công khai minh bạch, nhiều đoàn thanh tra lợi dụng đóng dấu mật để không công khai xảy ra nhiều. Minh bạch các kết luận thanh tra, nhất là những vấn đề dư luận báo chí nêu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhưng thanh tra về đóng đấu mật trong khi báo chí không được định hướng”.

Từ đó ông kết luận: “Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, thanh tra địa phương cần phải công khai kết luận thanh tra, tạo cơ chế người dân giám sát”.

Không thể để tình trạng đền bù 1m2 đất bằng 1 bát phở

Nhận xét về báo cáo trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) nêu ra 5 vấn đề nổi cộm:

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre. Ảnh Ngọc Thắng

Thứ nhất, báo cáo cần đánh giá phải xem xét sai phạm của các cơ quan dân cử địa phương trong quản lý đất đai. Tôi đề nghị tăng cường vai trò, trách nhiệm các cơ quan dân cử.

Thứ hai, một số cơ quan Đảng có vi phạm sử dụng đất đai. Phải đánh giá vào đây. Nhiều cán bộ đảng viên sử dụng sai thẩm quyền, mục đích so với lúc được giao. Báo cáo phải thêm việc này để thể hiện rõ quan điểm Quốc hội

Thứ ba, đối với đất Quốc phòng tôi cũng đề nghị nghiên cứu lại. Hôm qua, tôi đã đi xem thực tế sân bay Bạch Mai, nhiều công trình trong đó, vũ trường có, nhà hàng có, sân golf có. Cần phải định nghĩa lại đất Quốc phòng, để tránh sai phạm.

Thứ 4, tôi đề xuất việc các khu đô thị mới sử dụng các khu đất chợ truyền thống. Khi chúng ta chuyển đổi mục đích thì giải quyết quyền lợi như thế nào. Có những tình trạng vô cảm của cơ quan giải quyết khiếu nại, tôi đã xem những clip các tiểu thương gửi lên, không thể cầm lòng.

Cuối cùng, giải quyết quyền lợi cho người sử dụng chưa có sổ đỏ. Đất người ta đã khai hoang, gắn bó vài chục năm, yên ổn, không có tranh chấp, khi thu hồi lại chưa có sổ đỏ. Chưa có sổ đỏ là do ta chưa cấp cho dân, lỗi của chúng ta, chúng ta đổ cho dân, hạ quyền lợi của dân. Báo chí đã nêu có nơi khi giải tỏa, giá trị 1m2 đất bằng 1 bát phở, cần phải xem xét nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con".

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thừa nhận những vướng mắc

Sau khi lắng nghe 30 ý kiến các Đại biểu, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng bộ Tài Nguyên & Môi trường đã phân các vấn đề của đại biểu ra 11 nhóm. Ông Hà đánh giá các ý kiến trên đều thể hiện sự quan tâm của các đại biểu đến đoàn giám sát.

Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà.

“Từ các ý kiến này, một mặt minh họa thêm kết quả, nguyên nhân bản báo cáo. Các đề xuất hôm nay, thể hiện sự đa dạng, tính đặc thù, đây là ý kiến làm cho chính sách có sức sống, có hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Hà nói.

Vị Bộ trưởng cũng thừa nhận những bất cập trong việc quản lý và sử dụng đất đai hiện nay: “Bên cạnh kết quả đạt được, quy hoạch quản lý đất đai và các quy hoạch từ trung ương đến địa phương có bất cập. Mối quan hệ giữa các quy hoạch cũng có bất cập. Trong việc triển khai nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng sẽ giải quyết được những bất cập”.

Từ đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới cần tính toán, để đưa quy hoạch có ý nghĩa và tầm nhìn chiến lược, phản ánh được trách nhiệm nhà nước. Đặc biệt, phải giải quyết được bài toán về kinh tế và giải quyết được các nội hàm, xác định rõ, để quy hoạch có tính khả thi.

“Chúng ta cần công khai, minh bạch các quy hoạch để nhân dân giám sát, từ đó chắc chắn tốt hơn”, ông Hà khẳng định.

Nhóm PV Quốc hội

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-doan-thanh-tra-loi-dung-dong-dau-mat-de-khong-cong-khai-minh-bach-a435625.html