Nhiều đoạn thành di tích Cổ Loa bị xâm hại

Di tích Cổ Loa đang bị xâm hại và phá hoại nghiêm trọng, nhiều đoạn thành bị 'xẻ thịt', san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. Thực trạng trên không những chỉ ra những lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản, mà còn thể hiện tư duy bảo tồn di sản bất hợp lý.

Vô tư canh tác, trồng cây trên thành, hào

Vừa qua, trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã lên tiếng “kêu cứu” cho thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). PGS Huy đưa lên các hình ảnh tĩnh và động về việc một lớp thành của di tích quốc gia đặc biệt này bị xâm lấn, biến thành bãi rác. Sau thông tin phản ánh, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận thực tế cho thấy di tích Cổ Loa đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cụ thể, khu vực gần đền thờ An Dương Vương, thuộc thôn Lan Trì (Đông Anh, Hà Nội) nhiều đoạn thành Trung biến thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, xây dựng. Hào nước của di tích Cổ Loa bị người dân lấn chiếm, san lấp gần hết và biến thành ruộng hoặc ao, đầm. Trên khu vực này, người dân vô tư canh tác, trồng cây, chăn thả gia súc. Đặc biệt, ở một số đoạn hào vào thành ngoại đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, người dân đã lắp đặt cổng sắt, tập kết vật liệu xây dựng để dựng các công trình dân sinh.

Di tích Cổ Loa bị xâm chiếm, trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: PGS. TS Nguyễn Văn Huy

Di tích Cổ Loa bị xâm chiếm, trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: PGS. TS Nguyễn Văn Huy

Đau xót trước thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Thực trạng hiện nay cho thấy, chúng ta có thời gian khá dài buông lỏng quản lý (từ 1962 khi được công nhận là di tích quốc gia) để thành và hào bị hủy hoại từng bước, lấn chiếm dần dần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta không xác định được chủ thể, mốc giới để bảo vệ thành và hào. Từ trước đến nay, gần như toàn bộ kinh phí bảo tồn Thành Cổ Loa đều tập trung vào đình, đền, miếu trong khi thành và hào là cái cốt lõi nhất. Vậy việc đầu tư đó đúng hay sai, nghịch hay thuận? Đầu tư cho đình, đền là tốt nhưng không đầu tư cho thành và hào là không được, qua đó cho thấy tư duy bảo tồn đang tồn tại một số bất cập”.
Tư duy bảo tồn bất hợp lý
Được biết, trong các quyết định về nhiệm vụ quy hoạch và Quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ đã xác định “vùng lõi” ưu tiên cần bảo tồn ở Cổ Loa. Tuy nhiên, các quy hoạch này đang đặt ra trọng tâm bảo tồn “ngược” với giá trị thực của di tích.

Năm 1962: Di tích Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia.
Năm 2002: UBND TP Hà Nội có Quyết định về việc phê duyệt chi tiết khu vực di tích Cổ Loa.
Năm 2012: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa và được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Năm 2015: Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Cổ Loa (quy hoạch 1/2000).

Theo các nhà nghiên cứu về Cổ Loa, giá trị quan trọng nhất của Cổ Loa chính là các vòng thành thì việc đặt ra các “vùng lõi” đã vô hình trung đánh giá thấp các giá trị của vòng thành Ngoại, thành Nội. Cụ thể, thành Nội và khu cánh cung phía Nam thành Nội được coi là khu tập trung đậm đặc các quần thể di tích, tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương được coi là vùng “lõi” đã được xác định “Cần ưu tiên tối đa bảo tồn”, phát huy khai thác giá trị cốt lõi của di tích. Trong khi đó, phần vùng “trung” là từ thành Trung đến vùng lõi thì ưu tiên cải tạo và chỉnh trang khu dân cư, giữ gìn cấu trúc định cư truyền thống, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng sống khu dân cư; phân định vùng “ngoại” từ hào thành Ngoại đến vùng Trung ưu tiên bảo tồn, phát triển khai thức môi trường sinh thái.
Cách hiểu và định giới như vậy là một sai lầm. “Khi quan niệm đó là lõi quan trọng nhất thì những khu vực bên ngoại là không phải lõi và kém quản trọng? Trong khi ba vòng thành và hào đều chính là lõi, nếu thành nội có tuổi đời là 2.300 năm thì các thành và hào còn lại cũng có tuổi đời bằng thành Nội có vai trò bình đẳng như nhau trong một cấu trúc chỉnh thể” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
Số phận long đong
Di tích Cổ Loa có số phận khá long đong về việc được công nhận di tích, công tác quản lý cho đến quy hoạch. Sau 2 năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên lịch sử - sinh thái – nhân văn với tỉ lệ 1/2000. "Để thực hiện quy hoạch này, công việc tiếp theo là lập kế hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích ban đầu, Trung tâm được giao lập quy hoạch “vùng lõi” nhưng đến năm 2017, nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết cho toàn bộ khu di tích đã được TP Hà Nội giao cho một doanh nghiệp thực hiện".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, việc xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 cần được thực hiện ngay, nếu chậm trễ ngày nào thì các vòng thành sẽ bị hủy hoại thêm ngày đó, mà thực trạng hiện nay các vòng thành bị phá hủy rất nhiều. Tuy nhiên, muốn xác định được các tiêu chí cho toàn bộ hoạt động phân giới, cắm mốc trên nhất thiết phải có sự tham gia góp ý về mặt chuyên môn của các nhà sử học, khảo cổ học, dân tộc học, cơ quan quản lý và đặc biệt là cộng đồng dân cư.
Song song với quá trình xác định và phân giới các khu vực cần bảo tồn, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy cần tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững. “Chúng ta phải làm thế nào để người dân sống với di sản, tìm cách để người dân vừa bảo tồn, vừa làm du lịch dựa trên vốn di sản này” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho hay.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhieu-doan-thanh-di-tich-co-loa-bi-xam-hai-326121.html