Nhiều điều kiện kinh doanh giáo dục đào tạo gây khó nhà đầu tư

Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ GD-ĐT là 212 điều kiện. Qua rà soát, Bộ GD-ĐT đề nghị bãi bỏ 81 điều kiện (chiếm 38.2%); đơn giản hóa 29 điều kiện (chiếm 13.7%).

Ngày 15-5, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Bà Vũ Thu Hà, Trưởng phòng kiểm soát TTHC, Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKKD) của Bộ GD-ĐT là 212 điều kiện. Qua rà soát, Bộ GD-ĐT đề nghị bãi bỏ 81 điều kiện (chiếm 38.2%); đơn giản hóa 29 điều kiện (chiếm 13.7%). Tổng số ĐKKD đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110 điều kiện (chiếm 51.9%).

Phát biểu tại hội thảo, nhiều nhà đầu tư phản ánh, họ đang gặp trở ngại về điều kiện kinh doanh chưa thực tế, thủ tục còn nhiều bước, gây tốn kém thời gian và công sức.

Nhiều chuyên gia giáo dục và nhà đầu tư bàn về cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành nghề GD-ĐT

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam phản ánh, quy định về thủ tục hoạt động của trường đại học yêu cầu danh sách trích ngang của cán bộ quản lý, giáo viên cơ hữu phải có “xác nhận của UBND cấp tỉnh” cần xem lại, vì mất nhiều thời gian cho nhà đầu tư mà không thật sự cần thiết? Hay quy định giáo viên dạy ngoại ngữ tại các trường đại học ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm cũng cần bỏ.

Ông Hoàng Anh Đức, Công ty cổ phần giáo dục Edufit phản ánh, các trường đại học có nhà đầu tư nước ngoài đều có người nước ngoài làm hiệu trưởng. Tuy nhiên, các trường phổ thông lại không được bổ nhiệm người nước ngoài làm hiệu trưởng. “Chúng tôi đang phải duy trì cả hai, hiệu trưởng người Việt và người nước ngoài, khiến bộ máy cồng kềnh”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng ví dụ một số bất cập khác như tiêu chuẩn phòng học bộ môn qui định nhà trường phải có phòng học CNTT để bố trí máy tính để bàn. Nhưng trong thực tế, nhiều học sinh sử dụng máy tính cá nhân, nên không nhất thiết phải bố trí một phòng CNTT…

Hiệu trưởng Trường Đại học FPT Việt Nam – ông Ông Lê Trường Tùng phản ánh, đang có sự bất bình đẳng về quy định thành lập cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài. Ví dụ nhà đầu tư trong nước phải có vốn từ 1000 tỷ đồng trở lên, còn cơ sở giáo dục nước ngoài yêu cầu vốn không ít hơn 350 tỷ đồng…

Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng phản ánh nhiều thủ tục kinh doanh bất cập

“Trước đây, khi thành lập trường Đại học FPT, chúng tôi chỉ mất 9 tháng là hoàn thiện đẩy đủ mọi thủ tục, nhưng giờ đây, chúng tôi chỉ xin thành lập một trường phân hiệu thôi cũng phải chờ mất 3 năm trời”, ông Tùng nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp Mari Quyri, khi thành lập nhà trường tiểu học, để đáp ứng yêu cầu phải có mấy chục giáo viên kèm có chứng chỉ, hồ sơ… ông đã từng phải “tạo cái giả” để đủ điều kiện.

Bà Mai Thị Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ GD-ĐT lắng nghe và tiếp tục tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp hiệp hội. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội. “Với những điều kiện kinh doanh vô lý, gây khó cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục cắt bỏ”, bà Mai Thị Anh nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-giao-duc-dao-tao-gay-kho-nha-dau-tu-115407.html