Nhiều điều chưa biết về kimono của xứ Phù tang

Trong ngôn ngữ Nhật Bản, danh từ kimono đơn giản chỉ là 'đồ để mặc' với ý nghĩa sâu rộng của từ này, hay đúng hơn là y phục cổ truyền, khi so sánh với thứ trang phục của người châu Âu mà người Nhật gọi là yofuku.

Kimono quy tụ hết thảy mọi kiểu dáng. Trước hết có kimono đàn ông và kimono phụ nữ; thứ đến với tay dài và tay ngắn; cuối cùng là kimono mặc trong nhà hay lúc đi ngủ. Một bộ kimono đẹp thường rất đắt tiền, với thứ vải dệt thủ công và được khâu tay.

Người ta se lẫn cả những sợi "chỉ" bằng bạc hay vàng thật; còn hoa văn được rắc "bụi" vàng và bạc nguyên chất. Chỉ có các nghệ nhân với trình độ điêu luyện mới "dám" nhận làm các bộ kimono đại lễ. Cách xếp đặt thớ vải cũng như cách bài trí hoa văn phải tạo ra được ấn tượng, rằng đó không chỉ là kiểu trang phục thuần túy, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ nữa.

Những bộ kimono độc đáo thường chiếm vị trí trang trọng trong các viện bảo tàng, trong các tủ quần áo gia đình và được lưu truyền như của "gia bảo" từ đời này sang đời khác. Để làm một bộ kimono "chuẩn", cần khoảng 4.500 lọn tơ và người thợ dệt khéo tay phải bỏ ra chí ít là 50 ngày lao động miệt mài trên khung cửi, mới tạo ra thứ vải thích hợp không "lặp lại" được.

Kimono được bảo quản theo cách đặc biệt. Thông thường người ta không giặt mà chỉ gột rửa những chỗ bẩn; nếu như có giặt, cũng chỉ giặt từng phần và sấy khô ngay lập tức. Kimono được cất giữ trong những tấm giấy đặc biệt có tính chất chống ẩm và khô ráo thông thoáng, để luôn giữ được sắc màu tự nhiên vốn có.

Xuân Hiếu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/do-day/nhieu-dieu-chua-biet-ve-kimono-cua-xu-phu-tang-592614/