Nhiều diện tích lúa ở Thừa Thiên-Huế bị sâu bệnh gây hại

Do nắng nóng kéo dài, hàng nghìn hécta lúa vụ Hè Thu ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh như bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié gây hại; bọ phấn gây hại.

Phun thuốc phòng chống sâu bệnh cho lúa. (Nguồn: TTXVN)

Phun thuốc phòng chống sâu bệnh cho lúa. (Nguồn: TTXVN)

Do nắng nóng kéo dài cùng với khô hạn, tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có hơn 2.180ha lúa vụ Hè Thu 2019 trong tổng số 25.800ha lúa đã gieo cấy bị nhiễm bệnh khô vằn, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 10-20%.

Có nhiều nơi, lúa bị nhiễm bệnh nặng từ 40-60%; tăng 2.130 ha với cùng kỳ năm trước.

Bệnh khô vằn trên lúa bùng phát ở các địa phương như xã Sịa 2; Đông Phước, Đông Vinh xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền; khu vực An Đông, Tây An, Thống Nhất thành phố Huế; phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; xã Phú Đa, Vinh Thái, Vinh Hà huyện Phú Vang...

Hiện nay, cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, đã đứng cái, đẻ nhánh và một số diện tích đã trổ, nhưng lại bị bệnh khiến người dân lo lắng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Ông Nguyễn Văn Sinh, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho biết, các đây khoảng 2 tuần ông phát hiện 3 sào lúa bị bệnh khô vằn, lúa có nhiều nhành héo và các đốm nâu trên lá.

Ông đã phun thuốc 2 lần nhưng mỗi lần phun xong lại gặp mưa nên hiệu quả không cao. Cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng mà tình hình sâu bệnh lại diễn biến phức tạp như vậy ông lo sẽ bị mất mùa.

Ngoài bệnh khô vằn, lúa vụ Hè Thu năm nay ở Thừa Thiên-Huế còn bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh khác, gồm 942ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; nhện gié gây hại trên 470ha lúa; bọ phấn gây hại hơn 50ha lúa...

Bên cạnh sâu, rầy, còn xuất hiện chuột gây hại trên diện rộng với diện tích bị hại là 608ha, tăng 476ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hại 5-10%, nơi cao hơn 20%, tập trung nhiều tại huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và Phong Điền.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên-Huế khuyến cáo, thời gian tới bệnh khô vằn gây hại gia tăng trên diện rộng.

Bệnh lem lép hạt lúa sẽ phát sinh gây hại trên trà lúa trổ, rầy nâu, nhện gié tiếp tục gây hại gia tăng mật độ trên đồng ruộng.

Do đó, bà con nông dân nên thường xuyên giữ nước trong ruộng giai đoạn lúa làm đòng đến trổ chín giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao; đồng thời, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện các hiện tượng bất thường của cây lúa để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, phun phòng bệnh lép hạt khi lúa trổ về thưa và sau khi lúa trổ xong sau phun lần 1 từ 5-7 ngày với các loại thuốc như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC,... để hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng.

Phun các loại thuốc có hoạt chất Nitenpyram, Pymetrozine, Dinotefuran,...để trừ rầy nâu, bọ phấn gây hại.

Cùng với tình hình sâu bệnh gây hại, nắng nóng gay gắt kéo dài thời gian qua còn khiến gần 1.500ha lúa Hè Thu tại Thừa Thiên-Huế bị khô hạn, trong đó, nặng nhất là ở các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.

Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền nước từ các hồ đập thủy lợi phục vụ diện tích lúa thiếu nước./.

Tường Vi (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhieu-dien-tich-lua-o-thua-thienhue-bi-sau-benh-gay-hai/582644.vnp