Nhiều điểm tích cực, nhân văn và phù hợp với giáo dục hiện đại

Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý 2 dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học; dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, sau 2 tháng đăng mạng đơn vị này đã nhận được nhiều ý kiến từ các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân góp ý cho 2 dự thảo Thông tư ban hành “Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học” và “Điều lệ trường tiểu học”.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá việc thay đổi thông tư là cần thiết, để thống nhất với hệ thống văn bản pháp lý mới, phù hợp yêu cầu của thực tế giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông mới. Các ý kiến cơ bản đồng thuận với những nội dung quy định trong dự thảo thông tư, trong đó đánh giá cao nhiều điểm tích cực.

Dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học tiếp tục nhấn mạnh quan điểm đánh giá không nặng về điểm số mà coi trọng đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Nguyên tắc đánh giá và xếp loại người học là không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Việc đánh giá học sinh tiểu học căn cứ vào các yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục, những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

 Dự thảo về quy định đánh giá học sinh tiểu học được cho là có nhiều nhiều điểm tích cực, nhân văn và phù hợp với giáo dục hiện đại. Ảnh: T.F

Dự thảo về quy định đánh giá học sinh tiểu học được cho là có nhiều nhiều điểm tích cực, nhân văn và phù hợp với giáo dục hiện đại. Ảnh: T.F

Quá trình đánh giá học sinh, giáo viên được sử dụng đa dạng các hình thức, kết hợp cả thường xuyên, định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cùng với giáo viên, các học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá, để đảm bảo tính toàn diện, chính xác, khách quan của hoạt động này.

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa - Trịnh Vĩnh Long nhận xét: Dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đã kế thừa những ưu điểm của thông tư đánh giá học sinh hiện hành được thực hiện hiệu quả nhiều năm qua. Trong đó nhấn mạnh đánh giá quá trình, coi trọng động viên, khích lệ học sinh, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; không phân biệt, không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Việc kết hợp điểm số và nhận xét, đánh giá quá trình vì sự tiến bộ của học sinh sẽ đánh giá được toàn diện người học. Đánh giá quá trình bằng nhận xét, đánh giá thường xuyên học sinh sẽ thấy được sự tiến bộ hoặc những khó khăn của các em để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, động viên người học tiếp tục tiến bộ. Đây là những quy định hết sức nhân văn và cần thiết trong giáo dục hiện đại, phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đẩy mạnh tự chủ chuyên môn

Đối với dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học, các ý kiến góp ý đồng thuận cao với quan điểm đẩy mạnh giao quyền tự chủ chuyên môn cho các nhà trường, cụ thể là giáo viên. Theo đó, các giáo viên sẽ được “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục, vận dụng các hình thức hoạt động và phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường”.

Song song với việc tăng cường quyền tự chủ, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công việc, tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, các yêu cầu chuẩn nghề nghiệp và trách nhiệm công việc của giáo viên, cán bộ quản lý cũng được nâng lên.

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang - Hà Huy Giáp cũng cho rằng, Bộ GDĐT đã thực hiện các bước xây dựng văn bản rất khoa học, bài bản, chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý của địa phương. Dự thảo có nhiều ưu điểm, trong đó điểm mới ấn tượng là bổ sung hình thức thư khen những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt, có thể được cán bộ quản lý, giáo viên có thể gửi thư khen. Điều này nhằm động viên kịp thời, giúp các em có thêm động lực phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và kiến thức.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cảm ơn các ý kiến đóng góp, các Sở GD&ĐT đã quan tâm, góp ý cho dự thảo. Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ tiếp thu ý kiến và nhanh chóng hoàn thiện văn bản để Bộ GD&ĐT sớm ban hành, kịp đưa vào triển khai từ năm học mới 2020-2021.

Dự thảo lần này cũng có nhiều điểm mới so với Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Dự thảo đã giải thích một số thuật ngữ: đánh giá HS tiểu học, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục…;

Quy định về xếp loại chất lượng giáo dục HS theo 3 mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành, Chưa hoàn thành, (theo quy định hiện hành thì chỉ "xếp loại" (lượng hóa) từng môn học/hoạt động giáo dục, phẩm chất, năng lực riêng biệt.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-diem-tich-cuc-nhan-van-va-phu-hop-voi-giao-duc-hien-dai-200398.html