Nhiều điểm sạt lở có nguy cơ mất an toàn đê tại Hải Dương

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương cho biết: Hiện nay, nhiều đoạn sông trong tỉnh đang xuất hiện tình trạng sạt lở do dòng chảy và tình trạng hút cát.

Sạt lở ở bờ sông xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà.

Sạt lở ở bờ sông xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà.

Toàn tỉnh có 17 điểm sạt lở mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn đường liên thôn, đê bối, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê trung ương. Trong đó, huyện Kim Thành có 3 điểm, huyện Thanh Hà có 6 điểm, huyện Nam Sách và Kinh Môn có 6 điểm, thành phố Chí Linh và huyện Tứ Kỳ mỗi huyện có một điểm sạt lở. Những điểm sạt lở ngày một rộng hơn, trung bình mỗi điểm sạt lở có chiều dài từ 300m đến trên 1 km, chiều sâu sạt lở cách thân đê khoảng 50 đến 100m.

Riêng tại huyện Thanh Hà, khu vực sạt lở tại bãi sông tương ứng Km11+ 210 đến Km11+277, đê Hữu Rạng, thuộc địa bàn xã Thanh Lang có chiều dài 67 m, sạt lấn sâu từ mép bờ vào chân đê vị trí rộng nhất 2,5m. Điểm gần nhất cung sạt cách chân đê phía sông 21,2m và tụt sâu so với mặt bãi 1,5 - 2m, mái cung sạt dốc đứng. Trên bãi sông xuất hiện nhiều vết nứt và có nguy cơ sạt lở tiếp. Nhiều điểm sạt lở mạnh đã cuốn bay vài bụi tre chắn sóng sát bờ sông.

Ông Nguyễn Thế Cường, Hạt phó Hạt quản lý đê huyện Thanh Hà cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông là do khu vực này lòng sông hẹp, dòng chủ lưu ép sát bờ, địa chất bãi sông yếu, bờ sông dốc đứng. Mặt khác, tình trạng sạt lở cũng có nguyên nhân của việc khai thác cát trái phép ở khu vực này.

Tại huyện Tứ Kỳ, phía bờ tả sông Luộc, đoạn qua thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh, đã xuất hiện nhiều đoạn sạt lở, có đoạn sạt chiều dài trên 1 km, diện tích sạt từ 50 đến 100m sát đường liên thôn đã được bê tông hóa và cách đê bối khoảng 80 - 100m. Tình trạng sạt lở ngày một lấn sâu vào phần đất bãi của người dân đã cuốn đi hàng chục sào chuối đang vào độ thu hoạch.

Ông Phạm Hữu Huân, Trưởng thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, cho rằng nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do nạn hút cát trái phép gây nên. Cũng theo ông Huân, do vị trí này nằm ở phía xa khu dân cư, nhiều cây chuối chắn tầm nhìn nên việc phát hiện và ngăn chặn những tàu hút cát trái phép gặp không ít khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương.

Cho biết tình trạng khai thác cát trộm tại lòng sông Luộc vài năm gần đây đã giảm nhưng chưa triệt để, ông Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, nhận định đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Một nguyên nhân nữa là do dòng chảy mạnh nên đã làm sạt lở nhiều diện tích đất bãi ngoài đê.

Trước tình trạng nhiều điểm sạt lở bờ sông có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng quản lý các tuyến đê theo dõi chặt chẽ diễn biến các điểm sạt lở; đồng thời thực hiện phương án bảo vệ theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo xử lý kịp thời khi có diễn biến xấu xảy ra. Sở cũng yêu cầu các huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép, đặc biệt là các khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến công trình bảo vệ an toàn trên các tuyến đê.

Tin, ảnh: Tiến Vĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/nhieu-diem-sat-lo-co-nguy-co-mat-an-toan-de-tai-hai-duong-20200702131810726.htm