Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội

Ngày 26-10, thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đa số ý kiến đại biểu đánh giá, nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng, điểm mừng.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Nhìn lại những ngày đầu nhiệm kỳ, đại biểu cho biết “bề bộn khó khăn của nhiều năm trước tích tụ lại, nợ công cao, dư địa tài khóa tiền tệ trong nước hạn hẹp, biến đổi khí hậu thiên tai thường trực thường xuyên. Tâm trạng xã hội bất an, lòng tin của nhân dân có phần suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước đòi hỏi rất lớn”.

“Tại thời điểm đó, tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội hết sức lo lắng, không biết Chính phủ có nhanh chóng vượt qua được những thách thức đó không? Bây giờ đứng trên thành công, nhìn lại chúng tôi quả thực khâm phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua”, đại biểu nói.

Sau nửa nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP từ 5,91% giai đoạn 2011-2015 thì đến nay là 6,57% của giai đoạn 2016-2018. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục 60 tỷ đôla. Nợ công giảm 2 con số từ 63,7% năm 2016 xuống còn 61,4% năm 2018. Nợ xấu giảm từ 24,46% năm 2016 xuống còn 2% năm 2018.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 ước tính đạt 18 tỷ đô la, cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu nông sản sang 10 thị trường lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá ba sa, đứng thứ hai về cà phê, đứng thứ ba về gạo, tôm, đứng thứ năm về xuất khẩu lâm sản. Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tinh giản tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị đạt kết quả bước đầu khả quan và tích cực.

Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã làm nức lòng cử tri các nước. Xếp hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới được cải thiện mạnh mẽ, Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế có hiệu quả vượt trội so với các nền kinh tế mới nổi còn lại.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, “cảm nhận về một Chính phủ gần dân, thương dân, trọng dân đang có sức lan tỏa trong lòng cử tri cả nước. Đó là những điểm sáng, điểm mừng mà qua tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội ghi nhận”.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, bước vào kỳ họp này đại biểu Quốc hội và cử tri nhân dân đều rất phấn khởi trước những thành công lớn của đất nước.

Đại biểu Anh Trí nhấn mạnh, có những chỉ số hết sức ấn tượng cần phải nêu lại. Đó là tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2018, có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 đạt 4, GDP đạt mức cao 6,7%, riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt 6,98%, đầy hứa hẹn.

Những con số rất ấn tượng như xuất khẩu là 238 tỷ USD, tăng 11,2%, đặc biệt là tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến và nông sản. “Ở một đất nước mà tỉ lệ người tham gia trong các hoạt động nông nghiệp nhiều thì chỉ số này là rất đáng mừng”, đại biểu nói.

Nhớ lại nợ công năm 2016 là 63,7%, đại biểu cho biết “lúc ấy chúng ta rất lo về chuyện này”. Đến năm nay thì giảm còn 61,4% GDP. Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%. Đây chính là chỉ số giống như phiếu tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp đối với Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) (ảnh:quochoi.vn)

“Chúng ta vui với những gì mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được, những thành tích của du lịch Việt Nam, thể thao Việt Nam đạt được. Nhân dân cả nước cảm kích với những việc mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm. Chúng ta thấy đất nước rất khởi sắc, vận nước đang lên. Qua báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 thì đánh giá chung ở phần 1 có 23 kết quả đã đạt được. Như vậy, thành công khá toàn diện”, đại biểu nói.

Ghi nhận, phấn khởi trước những kết quả đạt được, nhưng ý kiến đại biểu cũng nhấn mạnh, các lĩnh vực vẫn có những khía cạnh chưa an toàn hoặc chưa thực sự hiệu quả đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ hơn cho những vấn đề còn tồn tai.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cả năm dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng hơn 240 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015.

GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Lãnh đạo Chính phủ nói, nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP) thì thu nhập đầu người năm 2018 ước đạt 7.640 USD, với mức tăng bình quân 6% hàng năm, đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.580 USD.

"Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới", Thủ tướng nói.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận kinh tế - xã hội năm 2018 còn không ít tồn tại, hạn chế. Sự nổi lên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, những mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet, mạng xã hội,... đã làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức.

Chính phủ xác định "không được chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ".

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-diem-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-xa-hoi-125398.html