Nhiều điểm nghẽn trong triển khai cơ chế Sandbox

Các chuyên gia khẳng định, trên thực tế, việc triển khai cơ chế Sandbox mới dừng ở mức 'nói' mà 'chậm làm'.

Rủi ro môi trường pháp lý

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số, việc thực thi cơ chế “thử nghiệm pháp lý” (regulatory sandbox) nhằm thúc đẩy kinh tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Sandbox được biết đến như là công cụ để để sáng tạo cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng.

Sandbox được biết đến như là công cụ để để sáng tạo cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng.

Theo quan điểm của ông Đồng, môi trường pháp lý Việt Nam vẫn còn tình trạng “tranh tối, tranh sáng” và việc thực thi pháp luật còn thiếu sự nhất quán có thể tạo ra rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro “hồi tố”, cũng như thất thoát cho Nhà nước như thất thu thuế, tạo ra các thị trường phi chính thức.

Đáng chú ý, theo quan điểm của ông Đồng, “Bản thân các đề án như “Đề án Kinh tế chia sẻ”; “Đề án Chuyển đổi số Quốc gia” không trực tiếp hình thành “regulatory sandbox” mà chỉ mang tính định hướng.

Với mô hình “quản lý theo ngành” như Việt Nam, thực chất thẩm quyền lập quy và cấp phép nằm trong tay các bộ. Thiếu phối hợp giữa các bộ, lẫn tâm lý “sợ rủi ro” của các bộ, trong khi thiếu áp lực cần thiết từ Chính phủ, là nguyên nhân khiến sandbox đình trệ, chỉ dừng ở mức “nói” mà “chậm làm”, ông Đồng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận, mặc dù ở tầm vĩ mô, Chính phủ luôn nêu cam kết cao cho việc thúc đẩy “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “Make in Vietnam” nhưng ở tầm thực thi, các kết quả đạt được lại chưa rõ nét. Cả Chính phủ lẫn lãnh đạo các bộ đều tuyên bố ủng hộ sandbox, và đều đặt ra nhiều mốc thời gian khác nhau và các “hứa hẹn” sandbox, nhưng đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang là nước duy nhất trong nhóm 5 nước trong khu vực (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) chưa thực sự thực thi Sandbox.

"Bản thân các đề án như “Đề án Kinh tế chia sẻ”, “Đề án Chuyển đổi số Quốc gia” không trực tiếp hình thành “regulatory sandbox” mà chỉ mang tính định hướng", ông Đồng nhấn mạnh.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã thực hiện cơ chế “thử nghiệm pháp lý” duy chỉ còn Việt Nam vẫn đang bị bỏ lại phía sau vì vẫn tiếp tục “bàn” nhưng chưa thấy kết quả. Điều này khiến mục tiêu đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực và là nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số” ngày càng trở nên xa vời.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đều đang kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của “nền kinh tế chia sẻ” dù chưa có hành lang pháp lý chính thức. Các lĩnh vực vận tải, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch, công nghệ tài chính là ba lĩnh vực chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Trong bối cảnh khi không có sandbox cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam, thì việc thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài (Singapore, Estonia...) để kinh doanh tại Việt Nam trở thành một kênh “phòng tránh rủi ro” pháp lý phổ biến.

Cần thành lập một Tổ công tác của Chính phủ về Sanbox

Đồng thời đưa ra 2 khuyến nghị: Thứ nhất, Việt Nam cần thành lập một Tổ công tác của Chính phủ về Sanbox, gồm lãnh đạo các bộ liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương... tạo nên một tổ liên ngành để chia rủi ro cho từng bộ, bởi trách nhiệm không thể chỉ thuộc một bộ. Thứ hai, sau khi thành lập tổ công tác sẽ có Văn phòng Sanbox quốc gia để tiếp nhận đăng ký và tư vấn cho doanh nghiệp trước khi nộp đơn chính thức, đồng thời giám sát thực thi của doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, các ý kiến tham luận hoàn toàn ủng hộ Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ và tin tưởng vào Nghị quyết 52 sẽ là tiền đề tốt để xây dựng khung pháp lý cho cơ chế Sandbox, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoa Cương, Tổ trưởng Tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, ưu đãi và khuyến khích là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư vào nhân tài cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, mục tiêu là phải tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất trong khung khổ pháp luật, phấn đấu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa, là yếu tố quan trọng hàng đầu để Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thành công.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nhieu-diem-nghen-trong-trien-khai-co-che-sandbox-161022.html