Nhiều điểm mới quy định về bảo hiểm thất nghiệp

Một số quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị định số 61/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hiện đang được người sử dụng lao động và người dân đặc biệt quan tâm, nhất là các quyền lợi, nhiệm vụ trong thực hiện chính sách.

Nâng cao hiệu quả của bảo hiểm thất nghiệp Tăng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm (BH) thất nghiệp.

BH thất nghiệp đang là điểm tựa an sinh cho người lao động khi gặp khó khăn

BH thất nghiệp đang là điểm tựa an sinh cho người lao động khi gặp khó khăn

Theo Cục Việc làm, một trong số các quy định sửa đổi, bổ sung mới được người sử dụng lao động (SDLĐ) quan tâm là nội dung tại Khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP). Cụ thể, người SDLĐ gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người SDLĐ có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người SDLĐ có sử dụng từ 200 lao động đến 1000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người SDLĐ có sử dụng trên 1.000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bội cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại; thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm xản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP về đóng BH thất nghiệp. Theo đó, người lao động (NLĐ) được xác định là đang đóng BH thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp:

Một là, NLĐ đã đóng BH thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH. Hai là, NLĐ đã đóng BH thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận trên sổ BHXH. Ba là, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH. Bốn là, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH. Năm là, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Nghị định số 61/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, tháng đóng BH thất nghiệp của NLĐ được tính nếu người SDLĐ và NLĐ đã thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng BH thất nghiệp. Trường hợp NLĐ đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mới được cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BH thất nghiệp, thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm.

Bên cạnh đó, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung một số phương thức xác minh để NLĐ hưởng BH thất nghiệp. Như, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 16 quy định, bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc. Đối với trường hợp NLĐ không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ do đơn vị SDLĐ không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền, thì thực hiện theo quy trình đó là: Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch, đầu tư xác nhận đơn vị SDLĐ không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Với trường hợp NLĐ tham gia BH thất nghiệp theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm, thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.

Nghị định 61/2020/NĐ-CP cũng bổ sung Khoản 4 Điều 17, như: trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu NLĐ không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm nơi NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nghị định số 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-diem-moi-quy-dinh-ve-bao-hiem-that-nghiep-138411.html