Nhiều điểm mới quan trọng trong việc sửa Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được lấy ý kiến góp ý với nhiều điểm mới quan trọng.

Hiện tại, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quy định trên đã dẫn đến sự không thống nhất trong thực hiện chế độ chính sách và áp dụng cơ chế quản lý với đối tượng này.

Vì vậy, Dự luật sửa đổi đã quy định không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý Nhà nước) tại Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức để xác định biên chế, số lượng người làm việc và bố trí sử dụng công chức, viên chức.

Tuy nhiên, do chưa xác định rõ việc xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc, đồng thời còn có sự đồng nhất giữa vị trí việc làm và biên chế số lượng người làm việc nên việc triển khai các quy định liên quan đến vị trí việc làm trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Dự thảo sửa đổi đề xuất không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có 4 loại (A, B, C, D) như hiện hành. (Ảnh: P. Thảo)

Dự thảo sửa đổi đề xuất không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có 4 loại (A, B, C, D) như trước đây mà giao Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp, tạo cơ sở cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.

Theo quy định tại Điều 45 Luật Viên chức, khi viên chức chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập này để chuyển sang làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập khác thì người chấm dứt hợp đồng được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp bị buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hoặc khi được bổ nhiệm vào các vị trí được xác định là công chức.

Việc áp dụng các quy định này đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ thôi việc đối với trường hợp viên chức chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác theo kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền như điều chuyển giáo viên, bác sĩ trong cùng địa phương hoặc viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà không phải do mất việc.

Chưa kể, việc áp dụng quy định trên còn không công bằng với trường hợp viên chức nghỉ hưu. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi viên chức nghỉ hưu sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc. Quy định này còn dẫn đến việc lách chính sách, khi viên chức chuẩn bị đủ tuổi nghỉ hưu sẽ xin thôi việc để vừa được hưởng chính sách thôi việc, vừa được hưởng chính sách nghỉ hưu.

Đáng quan tâm, Dự thảo sửa đổi bổ sung quy định cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, nhưng vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

Về xử lý kỷ luật, theo Ban soạn thảo, các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác mà có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, cho rằng, chỉ nên áp dụng quy định này đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không áp dụng quy định chung với tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vì vậy, Ban soạn thảo trình xin ý kiến Chính phủ hai phương án về nội dung này. Phương án 1 quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.

Phương án 2 quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương và cấp Phó Chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương, có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc, hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.

Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức theo hình thức một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, giới hạn phạm vi sửa đổi với cả hai luật tập trung vào những nội dung đã được nêu rõ trong các Nghị quyết của Đảng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-diem-moi-quan-trong-trong-viec-sua-luat-can-bo-cong-chuc-va-luat-vien-chuc-136162.html