Nhiều dịch bệnh có nguy cơ trở lại sau Tết

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau Tết sẽ có nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm... làm tăng nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm mùa lễ hội diễn ra, nhu cầu giao lưu, đi lại lớn khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trở lại. Do đó, bên cạnh việc giám sát của ngành Y tế, người dân cũng cần chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan…

Duy trì việc triển khai tiêm chủng mở rộng để phòng, chống bệnh dịch. Ảnh: Internet

Duy trì việc triển khai tiêm chủng mở rộng để phòng, chống bệnh dịch. Ảnh: Internet

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, ngay trong những tuần đầu năm 2019, dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Trong nước, một số nơi ở vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số người di biến động lớn, đặc biệt có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có nguy cơ cao, ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Cùng với sởi, các bệnh mùa đông xuân cũng được cảnh báo có nguy cơ gia tăng trong dịp nghỉ Tết và mùa lễ hội tháng Giêng, như quai bị, thủy đậu. Cũng ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, đã ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh như: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre.

Những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm A/H5N1. Theo ông Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), không chỉ H5N1 mà cả H7N9, H5N6, H1N1 đều là những chủng cúm gia cầm độc lực cao, rất nguy hiểm có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người. Nếu người sử dụng thịt gà, vịt, động vật chưa được nấu chín kỹ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong trường hợp gà, vịt, động vật mắc bệnh, bao gồm cả cúm gia cầm độc lực cao, đặc biệt là khi ăn tiết canh.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019, ngành Y tế đã chủ động lên các phương án phòng, chống dịch bệnh; duy trì việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã, phường, quận, huyện, giám sát trọng điểm dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ cao, những ổ dịch cũ và tại các bệnh viện.

Theo ông Cảm, tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan. Nhiều người dân cho rằng, thời điểm giao mùa đông - xuân thường không có muỗi do tiết trời lạnh và không mưa nhiều như mùa hè. Quan niệm này chưa chính xác. Bởi đặc điểm khí hậu miền Bắc nước ta vào thời gian này nền nhiệt cao hơn, kèm theo những đợt không khí lạnh ngắn ngày, mưa phùn, nồm khiến môi trường ẩm ướt lại là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Ở miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng từ tháng 3 đến tháng 11.

Để phòng, chống dịch bệnh sau Tết và mùa lễ hội Xuân, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám sát dịch bệnh và mở rộng diện giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra diện rộng.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu có sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người; các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đối với những hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm (sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm), phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/nhieu-dich-benh-co-nguy-co-tro-lai-sau-tet_t114c9n144807