Nhiều địa phương không có biển chủ quan với sự cố tràn dầu

'Nhiều địa phương không có biển thường chủ quan với sự cố tràn dầu, không xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu vì nghĩ ít khi xảy ra. Tuy nhiên thống kê từ năm 1992 đến nay cho thấy có tới 34% các vụ tràn dầu xảy ra trên đất liền tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đến môi trường sống của người dân', ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS) chia sẻ.

Sự cố dầu thải đổ vào thượng nguồn khu vực cấp nước của Nhà máy nước sạch sông Đà vào tháng 10/2019 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nước sạch tại thủ đô Hà Nội.

Sự cố dầu thải đổ vào thượng nguồn khu vực cấp nước của Nhà máy nước sạch sông Đà vào tháng 10/2019 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nước sạch tại thủ đô Hà Nội.

Thưa ông, ông đánh giá như nào về nguy cơ xảy ra sự cố tràn dần trên đất liền?

Theo thống kê, từ năm 1992 đến nay có 190 sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam, trong đó có 37 vụ ngoài khơi chiếm 19%, 88 vụ ven bờ chiếm 46% và 65 vụ trên đất liền chiếm 34%. Các sự cố tràn dầu trên đất liền thường xảy ra tại các khu công nghiệp, các tuyến giao thông đường bộ đường thủy nội địa, các kho/trạm xuất nhập/cửa hàng xăng dầu, các trạm biến áp, các bồn chứa xăng dầu và các tuyến ống dẫn xăng dầu đặt ngầm dưới đất, khu vực khai thác khoáng sản có sử dụng dầu.

Căn cứ theo số liệu thống kê, sự cố tràn dầu đã xảy ra tại các tỉnh không có biển như Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.

190 sự cố tràn dầu là số liệu chúng tôi thống kê từ nguồn của cơ quan quản lý và truyền thông, từ báo cáo liên quan đến kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh/thành phố, cấp cơ sở. Trong danh sách đó chỉ có 5 sự cố do Trung tâm SOS xử lý đã được cơ quan truyền thông đưa tin rộng rãi.

Ngoài ra còn có 94 sự cố khác mà Trung tâm SOS đã ứng cứu tính đến cuối tháng 11/2019. Các sự cố này được ứng cứu kịp thời và được bảo mật thông tin nhằm tránh gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Và 99 sự cố mà Trung tâm SOS ứng cứu đều do các doanh nghiệp hoặc địa phương biết đến số hotline của Trung tâm SOS nên đã liên hệ điều động chúng tôi đến hỗ trợ. Thực tế chắc chắn còn rất nhiều sự cố khác đã xảy ra nhưng Trung tâm SOS không nhận được tin báo nên chúng tôi không thể biết.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường.

Ông đánh giá như nào về tác động của sự cố tràn dầu trên đất liền đến môi trường và đời sống của người dân?

Các sự cố tràn dầu trên đất liền thường có quy mô nhỏ hơn tràn dầu trên biển, xong tác động đến môi trường, đặc biệt là tác động trực tiếp đến đời sống người dân lớn hơn nhiều.

Sự cố tràn xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi nhập hàng, từ các xe bồn chở xăng dầu bị tai nạn nhưng không có trang bị tại chỗ để kịp thời cô lập nên đã chảy lan xa tiếp xúc với nguồn nhiệt gây hỏa hoạn, thiệt hại lớn về tài sản, môi trường và con người. Chúng ta chưa thể quên sự cố cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo đối diện với Viện quân Y 108 tại Hà Nội vào tháng 06/2013. Khi nhập hàng, xăng tràn không có biện pháp cô lập được đã lan theo rãnh nước chảy qua các nhà dân, bắt lửa cháy ngược lại thiêu rụi xe bồn, cửa hàng xăng dầu và hàng loạt nhà dân mà xăng chảy qua. Trong trường hợp không xảy ra hỏa hoạn trên mặt đất thì xăng chảy thẳng xuống cống ngầm tiềm ẩn nguy cơ phát nổ nguy hiểm khôn lường.

Dầu tràn ngấm xuống đất, đặc biệt là dầu tràn từ các bồn ngầm, đường ống ngầm khó phát hiện kịp thời sẽ gây ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng, ngày càng lan xa hơn và ngấm sâu hơn. Đã xảy ra nhiều sự cố dầu tràn ngấm vào đất, nhiễm vào nước giếng, nước ngầm làm cho người dân buộc phải bỏ mảnh đất ông cha để lại chuyển đi nơi khác ở.

Chúng tôi không thể quên được ấn tượng trong những chuyến đi xử lý sự cố khi nhìn thấy những nét mặt căng thẳng với những lời nói không kìm chế được của những người dân sống trong khu vực nguồn nước giếng duy nhất của họ bị nhiễm dầu do bục bồn ngầm chứa dầu của doanh nghiệp gần đó. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Họ không chỉ không có nước uống, nước sinh hoạt tương tự như người dân Hà Nội trong sự cố nước sông Đà vừa qua, mà họ còn bị thiệt hại nặng nề khi đàn lợn cả trăm con của họ bị chết do nước nhiễm dầu, không còn nguồn nước sạch để khôi phục hoạt động chăn nuôi và trồng trọt.

Chi phí xử lý đất, nước ngầm nhiễm dầu vô cùng tốn kém, và tăng theo cấp số nhân với thời gian chậm xử lý. Để xử lý triệt để ô nhiễm dầu tồn lưu, việc đầu tiên là chúng ta phải khoan thăm dò xác định diện tích, độ sâu vùng ô nhiễm, lẫy mẫu đất, nước để phân tích xác định mức độ ô nhiễm tại từng điểm với từng độ sâu khác nhau. Sau đó phá dỡ nhà cửa, các công trình xây dựng trên mặt đất, loại bỏ cây trồng trên mặt đất, bóc toàn bộ lớp đất bên trên không bị nhiễm dầu để sang một bên. Tiếp theo là xúc toàn bộ lớp đất nhiễm dầu theo chiều ngang và chiều sâu cho đến khi hết dầu. Vận chuyển khối lượng lớn đất và nước nhiễm dầu đi xử lý theo qui định. Sau đó là việc bồi hoàn đất, xây dựng lại nhà và các công trình đã phá dỡ, trồng lại cây trên mặt đất, phục hồi môi trường trở lại như ban đầu. Ngoài ra còn phải bỏ chi phí để tái định cư, ổn định cuộc sống, công ăn việc làm cho người dân phải di dời từ nơi ô nhiễm đến nơi tái định cư trong thời gian xử lý phục hồi môi trường.

Phương án xử lý không triệt để là khoan nhiều giếng tại vùng đất ô nhiễm để bơm hút nước nhiễm dầu rỉ vào từ đất. Theo cách này thì dầu nhiễm trong đất bị rửa trôi rất chậm, phải làm trong nhiều năm và cũng chỉ giảm phần nào. Cách xử lý “tiết kiệm” nhất hiện nay chúng ta hay áp dụng là “coi như chuyện đã rồi”, không sử dụng nước ngầm và tìm nguồn nước khác. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng: Ô nhiễm dầu tồn lưu ngầm trong đất không chỉ vài thập niên mà hàng thế kỉ. Không xử lý thì nó vẫn còn đấy, như “của để dành” đầu độc thế hệ con cháu chúng ta hết đời này sang đời khác. Đã có những sự cố bục ống ngầm gây hậu quả xăng tràn ra ngấm vào đất. Sau gần 40 năm mới phát hiện ra, mùi xăng còn nồng nặc.

Các chuyên gia SOS xử lý dầu tràn trên ruộng lúa.

Theo ông, cần phải làm sao để các địa phương quan tâm đúng mức đến sự cố tràn dầu và làm cách nào để nâng cao năng lực ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương?

Hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh được phê duyệt cách đây từ 1 đến 8 năm, nhưng vẫn “cất trong tủ”, không đầu tư trang thiết bị theo kế hoạch đã được phê duyệt. Khi sự cố xảy ra rất lúng túng do không có trang thiết bị ứng phó, hoặc có trang thiết bị ứng phó nhưng không phù hợp với lực lượng kiêm nhiệm. Hoạt động đào tạo tập huấn vẫn chưa chú trọng đến thực hành kĩ năng. Theo tôi được biết thì mới chỉ có tỉnh Thanh Hóa đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu và chú trọng đến huấn luyện cho lực lượng ứng phó nòng cốt là Bộ đội Biên phòng.

Để đảm bảo sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu, các địa phương phải đầu tư trang thiết bị vật tư ứng phó phù hợp với lực lượng kiêm nhiệm, giao cho lực lượng nòng cốt phù hợp nhất là bộ đội biên phòng. Đồng thời cần phải khuyến khích nguồn lực xã hội hóa.

Nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu/hóa chất cấp quốc gia được đầu tư rất lớn và tốn kém, nhưng lại không thể sử dụng để làm dịch vụ ứng cứu sự cố cấp cơ sở của doanh nghiệp. Nguồn lực ứng phó chuyên nghiệp xã hội hóa vừa tăng cường năng lực ứng phó cấp quốc gia, giúp giảm chi ngân sách cho đảm bảo ứng phó, giúp giảm biên chế và các chi phí liên quan đến lương, chính sách chế độ. Đồng thời hoạt động phòng ngừa sẵn sàng ứng phó sự cố của doanh nghiệp được đảm bảo với chi phí ít hơn nhiều so với doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện.

Mặt khác, các doanh nghiệp hiện nay phải xây dựng nhiều kế hoạch: kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc, có thể sắp tới phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải. Và đi theo với mỗi một kế hoạch là việc trình hội đồng thẩm định, trình UBND tỉnh/huyện hay Bộ Công Thương phê duyệt, đầu tư mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, đào tạo nhân lực, tập huấn diễn tập định kì mỗi năm từ 1 đến 2 lần, lập báo cáo định kì gửi cơ quan quản lý… cho từng loại kế hoạch.

Các chuyên gia SOS phục hồi môi trường sau sự cố tràn dầu ra cánh đồng.

Trong hơn 230 khóa đào tạo, tập huấn, diễn tập tại các địa phương do Trung tâm SOS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, các doanh nghiệp đều phản ánh mong muốn chỉ phải xây dựng 1 kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo Điều 108 của Luật Bảo vệ môi trường. Như vậy doanh nghiệp sẽ tư duy về kế hoạch một cách tổng thể hơn, nhận diện rõ hơn các nguy cơ cả từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ví dụ: Doanh nghiệp lưu chứa xăng dầu thì trong kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường sẽ nhận diện rủi ro liên quan đến dầu. Nhà máy nhiệt điện thì rủi ro liên quan đến cả dầu, hóa chất và chất thải. Nhà máy sản xuất nước mặt thì rủi ro từ nguyên nhân khách quan liên quan đến các dầu tràn hay hóa chất độc thoát ra nước do sự cố va đâm phương tiện thủy nội địa trên sông, sự cố từ các cơ sở hóa chất trên bờ sông xâm nhập và nguồn nước thô cấp vào nhà máy… Loại hình kinh doanh, hoạt động, qui mô của doanh nghiệp thay đổi, qui hoạch phát triển kinh tế xã hội tại khu vực doanh nghiệp hoạt động thay đổi hoặc khi có phát sinh các nguy cơ rủi ro mới thì Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường của doanh nghiệp sẽ được cập nhật lại.

Các địa phương và doanh nghiệp đều mong muốn đảm bảo công tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu nói riêng và sự cố môi trường do nhân tai nói chung, và đều thấu hiểu bài học đắt giá từ các sự cố tràn dầu/hóa chất xảy ra liên tục trong những năm gần đây. Không địa phương nào và không doanh nghiệp nào muốn sự cố xảy ra với mình. Ai cũng biết “phải làm gì” (theo qui định của pháp luật), nhưng họ chưa biết, hoặc đang gặp khó khăn trong vấn đề “làm như thế nào” để kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đi vào cuộc sống, hiệu quả cao nhưng chi phí thấp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-dia-phuong-khong-co-bien-chu-quan-voi-su-co-tran-dau-1497004.tpo