Nhiều địa phương được mùa lúa đông xuân

Tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), vụ đông xuân 2017 - 2018 nông dân gieo trồng 719 ha lúa, 280 ha ngô; hiện nay, hầu hết diện tích này đều được mùa. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 45,92 tạ/ha, tăng 1,65 tạ/ha; năng suất ngô đạt 28,44 tạ/ha, tăng 1,47 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2017.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TRẦN TUYỀN

* Tổng sản lượng lương thực vụ đông xuân tại tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 257.263 tấn. Trong đó sản lượng lúa ước đạt 229.308 tấn, năng suất bình quân đạt 59,7 tạ/ha, là vụ được mùa nhất từ trước đến nay.

* Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Bình Định gieo cấy 48.221 ha lúa, tăng 928 ha so với vụ trước. Nhờ điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp, tránh được những bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại nên lúa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay với 69 tạ/ha.

* Dự kiến, năng suất lúa vụ đông xuân 2017 - 2018 tại tỉnh An Giang sẽ đạt 7,38 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so với vụ đông xuân trước. Hiện nay, đã có 17 doanh nghiệp và công ty giống ký hợp đồng với diện tích hơn 14.988 ha, tăng 692 ha diện tích sản xuất lúa giống.

* Tỉnh Thái Nguyên gieo cấy 28.960 ha lúa trong vụ đông xuân 2017 - 2018. Hiện nay, diện tích lúa đang phát triển tốt, các loại sâu bệnh hại đều được theo dõi, phát hiện xử lý kịp thời. Vụ này, toàn tỉnh phấn đấu năng suất lúa bình quân đạt xấp xỉ 54 tạ/ha.

* Vụ đông xuân 2017 - 2018, tỉnh Thanh Hóa gieo cấy 59.318 ha lúa năng suất cao, với năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, tập trung ở các huyện: Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Hoằng Hóa. Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển diện tích lúa chất lượng cao. Hiện, toàn tỉnh có 68.208 ha lúa chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha.

* TP Đồng Hới (Quảng Bình) gieo cấy gần 1.000 ha lúa đông xuân năm 2017-2018. Nhờ thời tiết thuận lợi, áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, chủ động nguồn nước tưới tiêu nên năng suất bình quân đạt 57,5 tạ/ha, sản lượng hơn 5,5 nghìn tấn.

* Tỉnh Quảng Trị gieo trồng gần 26 nghìn ha lúa đông xuân 2017-2018, năng suất đạt trung bình gần 58 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 150 nghìn tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch lúa để gieo cấy vụ hè thu nhằm thu hoạch kết thúc trước ngày 5-9 tránh lũ sớm.

* Vụ mùa năm 2017-2018 tỉnh Bạc Liêu gieo cấy được 33.000 ha lúa - tôm; phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng lên 43 nghìn ha, cho sản lượng đạt 350 nghìn tấn. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, mô hình sản xuất lúa - tôm đã khẳng định được hiệu quả kinh tế khi cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa hoặc độc canh con tôm.

* Tại các cánh đồng xuống giống sớm, nông dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đang bước vào thu hoạch lúa hè. Nhờ thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít… nên lợi nhuận vụ này đạt từ 18 đến 20 triệu đồng/ha, cao hơn so với nhiều vụ mùa trước.

* Tuy mới vào đầu mùa thu hoạch bơ, nhưng nông dân ở Lâm Đồng vui mừng khi loại quả này đang được mùa, được giá. So với cùng kỳ mùa năm ngoái, giá bơ đã cao hơn từ 10 đến 20%. Thời điểm này chuẩn bị vào mùa cao điểm du lịch hè, nhu cầu tiêu thụ lớn nên đẩy giá bơ lên cao.

* Tại tỉnh Đác Lắc hiện có hơn 300 ha vải, trong đó hơn 200 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 2.100 tấn. Vải được trồng nhiều ở các huyện Ea Kar, Krông Pắk và một số xã thuộc huyện M’Đrắk… Vải ở đây có ưu điểm chín sớm, không bị cạnh tranh bởi vải chính vụ phía bắc nên tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán cao.

* Hiện bà con nông dân huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã thu hoạch toàn bộ gần 320 ha khoai mỡ với năng suất bình quân đạt 10,6 tấn/ha và sản lượng gần 3.600 tấn. Vụ năm nay nông dân được mùa, được giá với giá bán đầu vụ từ 20.000 đến 21.000 đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí, mỗi ha thu lãi gần 100 triệu đồng.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rìa phía nam vùng áp thấp phía tây với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên hôm nay (20-5) nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở khu vực phía đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 36 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Dự báo, từ ngày mai (21-5) nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ dịu dần. Ở các tỉnh Trung Bộ nắng nóng sẽ kéo dài đến khoảng ngày 22-5.

* Những ngày qua, tại một số địa phương tiếp tục xảy ra dông, lốc, mưa đá, sấm sét gây thiệt hại người, tài sản và sản xuất nông nghiệp. Ngày 19-5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 17-5, tại tám huyện trên địa bàn xảy ra dông, lốc làm hai người bị thương; 1.010 nhà dân bị hư hỏng; hơn 2.200 ha lúa, ngô, mía, sắn, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; 400 con gia cầm bị chết.

Chiều 19-5, tại xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có mưa lớn kèm theo mưa đá. Theo người dân, mưa đá có kích thước như viên bi, kéo dài hơn mười phút.

Tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), chiều 18-5 có mưa lớn kèm sấm sét. Sét đã đánh chết một người, làm bị thương một người. Tại xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long (Đác Nông) mưa đá, lốc xoáy cũng làm chết một người. Mưa đá, lốc xoáy cũng làm sập, tốc mái 14 nhà dân, hàng trăm trụ tiêu và gần 2,5 ha chanh dây. Tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chiều 18-5 xảy ra mưa đá gần 20 phút, sau đó có mưa lớn kéo dài làm ngập úng mười ha trồng rau, củ, một số đường dân sinh, công trình thủy lợi bị ngập hơn 50 cm. Mưa lớn làm ngập nhiều nhà dân và sạt lở một số đoạn bờ kè khu vực ven suối Cam Ly. Ngay sau khi lốc xoáy, mưa đá xảy ra, các địa phương đã xuống địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

* Khoảng 1 giờ sáng ngày 19-5 tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra vụ sạt lở đất làm hư hại nặng nhà cửa, tài sản của hai hộ dân. Vụ sạt lở khiến nhà của chín hộ liền kề bị sụt lún. Vị trí sạt lở hiện có dấu hiệu lan rộng hơn, cảnh báo 13 hộ dân gần đó nằm trong vùng nguy hiểm. Chính quyền địa phương đã đến thăm, động viên hỗ trợ bước đầu cho các hộ dân có nhà bị sạt lở, đồng thời chỉ đạo cơ quan liên quan hướng dẫn nhân dân cách phòng tránh.

* Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng kiểm tra, rà soát các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt, lở đất, ngập úng... để xây dựng phương án phòng ngừa kịp thời tu sửa, có phương án bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa lũ 2018.

* UBND thành phố Đà Nẵng vừa yêu cầu các cơ quan chức năng có kế hoạch bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân ở những vùng nguy hiểm; rà soát, cập nhật những khu vực nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, kể cả khu vực thoát lũ ở hạ lưu hồ chứa…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định phân bổ 200 thiết bị đầu cuối kết nối vệ tinh Movimar cho tỉnh Ninh Thuận. Đây là một trong những giải pháp giám sát tàu cá hoạt động trên biển nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp (IUU).

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36443602-nhieu-dia-phuong-duoc-mua-lua-dong-xuan.html