Nhiều địa phương 'đặt gạch' giữ chỗ vốn dự phòng?

'Liệu có tình trạng, mặc dù biết là chưa khả thi nhưng nhiều địa phương vẫn cứ xin đưa vào danh mục để giữ chỗ, chuẩn bị cho giai đoạn sau', đại biểu (ĐB) Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến về việc sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp

Ngày 3/6, cho ý kiến về việc sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ĐB Hoa nhất trí với ý kiến thẩm tra là phương án phân bổ của Chính phủ đối với một số dự án là chưa bảo đảm theo Nghị quyết số 71.

Theo phụ lục tờ trình, Chính phủ dự kiến phương án bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản tổng cộng 13,750 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án liên kết vùng, các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin là nhóm xếp thứ tự ưu tiên sau thì được dự kiến bố trí lên đến 14.836 tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các dự án mới này chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư nên chưa đủ điều kiện đưa vào bố trí vốn kế hoạch trung hạn theo Điều 55 của Luật Đầu tư công.

Riêng đối với lĩnh vực GTVT, theo báo cáo của Bộ, có 69 dự án còn nợ đọng xây dựng cơ bản (với tổng số nợ khoảng 2.237 tỷ đồng) nhưng trong tờ trình của Chính phủ chỉ đề nghị thanh toán nợ cho 1 dự án với giá trị gần 83 tỷ đồng. Còn 68 dự án (tổng số nợ khoảng 2.154 tỷ đồng) chưa được đề nghị thanh toán nợ. Các dự án này chủ yếu đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2012-2015, tính đến nay có dự án thời gian nợ cũng đã 5-7 năm.

Theo ĐB Hoa, việc nợ đọng này kéo dài này sẽ dẫn đến hệ lụy, để đảm bảo vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh, ngoài vốn tự có thì nhà thầu còn phải sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Điều này dẫn tới áp lực phải trả nợ gốc, lãi vay là rất lớn. Đồng thời, các khoản thuế phải nộp Nhà nước cũng phải nộp ngay. Ngược lại, khi thi công xong công trình lại không được bố trí vốn thanh toán và khoản nợ này cũng không được tính lãi.

“Nợ cũ không đòi được, trong khi đó nhà thầu vẫn tiếp tục phải vay tiền để thực hiện các dự án mới. Trong nhiều trường hợp, nhà thầu vừa là con nợ vừa là chủ nợ, như một vòng luẩn quẩn và rất nhiều nhà thầu đã lâm vào cảnh nợ đọng triền miên, đứng trước nguy cơ phá sản. Đây cũng là nguyên nhân khiến quỹ lương cho người lao động bị giảm, tranh chấp, kiện tụng phức tạp kéo dài”, bà Hoa nêu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc nợ đọng vốn từ ngân sách trung ương sẽ đẩy một số doanh nghiệp vào tình trạng bi đát về tài chính. Ngược lại, về phía Nhà nước việc tạo dựng niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp đã khó, nay vì những nợ đọng kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cơ quan nhà nước. “Đây là điều mà không ai mong muốn”, bà nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ làm rõ, việc đã tổng hợp đầy đủ nhu cầu bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án đã hoàn thành thuộc nghĩa vụ NSTW chưa? Chính phủ đã rà soát, bố trí nguồn vốn dự phòng theo đúng thứ tự ưu tiên theo khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 71 chưa?

Đối với việc bố trí vốn các dự án khởi công mới, ĐB cũng băn khoăn, liệu Chính phủ có đảm bảo giải ngân hết số vốn này nếu được giao trong giai đoạn 2016 - 2020 không? Trong khi quá trình chuẩn bị đầu tư mất hàng năm và thời gian thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 1,5 năm.

“Liệu có tình trạng, mặc dù biết là chưa khả thi nhưng nhiều địa phương vẫn cứ xin đưa vào danh mục để giữ chỗ, chuẩn bị cho giai đoạn sau”, bà Hoa đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ, bố trí số vốn phù hợp cho các dự án khởi công mới, đủ giải ngân hết trong giai đoạn 2016 – 2020, đảm bảo đủ nguồn vốn thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng theo đúng Nghị quyết số 71, tránh khiếu kiện kéo dài của người dân.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-dia-phuong-dat-gach-giu-cho-von-du-phong-1423916.tpo