Nhiều địa phương đã chọn sách xong, sao còn đưa thêm 7 sách giáo khoa nữa?

Sợ một trong những cuốn sách vừa bổ sung lọt vào 'mắt xanh' hay được cấp trên bật 'đèn xanh' thì bao công sức đọc, nghiên cứu, góp ý trước đó thành công cốc.

Đến thời điểm cuối tháng 2 nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức xong việc bình chọn sách giáo khoa lớp 1.

Những cuốn sách lớp 1 hiện hành sẽ được thay thế bằng những cuốn sách giáo khoa mới vào năm học 2020-2021 (Ảnh: Báo Thanh tra)

Những cuốn sách lớp 1 hiện hành sẽ được thay thế bằng những cuốn sách giáo khoa mới vào năm học 2020-2021 (Ảnh: Báo Thanh tra)

Có những địa phương đã tổ chức bình chọn đến mấy vòng để tập hợp những ý kiến chung nhất, sự đồng ý cao nhất về một bộ sách cho thật khách quan.

Những ý kiến được ghi nhận, thống nhất và biên bản cũng đã được lập.

Vậy mà mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vừa công bố thêm 7 sách giáo khoa đã đạt thẩm định nâng tổng số sách sẽ được các trường bình chọn là 45 cuốn cho tất thảy 9 môn học.

Có tổ chức bình chọn lại?

Thời gian vừa qua, học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, dù cũng bận rộn vệ sinh trường lớp, dạy học online, mang bài đến nhà cho học sinh…nhưng nhiều trường học vẫn tổ chức việc đọc, nghiên cứu để bình chọn sách.

Mọi việc dường như đã ổn, theo một số hiệu trưởng cho biết công việc bình chọn sách xem như xong chỉ đợi cấp trên đồng ý phê duyệt.

Giáo viên huyện Kỳ Sơn đang được bình chọn sách giáo khoa

Nay, có thêm 7 cuốn sách lọt qua vòng thẩm định, giáo viên lại thắc mắc, lo lắng mình có phải bình chọn sách lại từ đầu hay không?

Nếu tổ chức bình chọn lại sẽ đọc và nghiên cứu sách vào lúc nào và thời gian, công sức bỏ ra trước đó chỉ là công cốc?

Theo dự kiến đầu tháng 3 học sinh các trường đã đi học trở lại. Dự báo, giáo viên sẽ bận tối mày tối mặt vì vừa dạy học kiến thức mới, vừa phải tổ chức ôn tập, kèm cặp cho các em học sinh vì thời gian nghỉ phòng bệnh quá lâu.

Nếu như vì sự xuất hiện thêm 7 cuốn sách nữa mà địa phương phải tổ chức bình chọn sách lại sẽ tạo không ít áp lực về thời gian, công sức không đáng cho nhiều trường học.

Và sợ rằng nếu như một trong những cuốn sách vừa được bổ sung ấy lọt vào “mắt xanh” hay được cấp trên bật “đèn xanh” thì bao công sức đọc, nghiên cứu, góp ý trước đó của giáo viên chẳng phải hóa công cốc cả hay sao?

Trúc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/nhieu-dia-phuong-da-chon-sach-xong-sao-con-dua-them-7-sach-giao-khoa-nua-post207448.gd