Nhiều địa phương buông lỏng quản lý việc khai thác khoáng sản

Không ít tồn tại, bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh thời gian qua, nhưng việc xử lý rất chậm và không hiệu quả. Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ảnh về vấn đề này.

Suối Sảo bị bức tử

Trên địa bàn xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hiện có 7 điểm mỏ. Trong đó có 3 điểm mỏ đang hoạt động và một điểm mỏ tại thôn Bản Sám, xã Ngọc Minh của Công ty TNHH Tường Phong đang thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ. Từ ngày những điểm mỏ này đi vào hoạt động, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng suối Sảo bắt nguồn từ xã Ngọc Minh trước đây vốn trong xanh, là nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng nghìn hộ dân các xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc (huyện Vị Xuyên) và xã Kim Ngọc (huyện Bắc Quang) thuộc tỉnh Hà Giang giờ đây đục ngầu (xem ảnh), “chết dần chết mòn” bởi mỗi ngày phải hứng chịu lượng lớn bùn, nước thải nghi bị nhiễm thủy ngân được thải trực tiếp ra môi trường từ hoạt động khai thác quặng, vàng sa khoáng ở các điểm mỏ.

Dòng suối Sảo.

Suối Sảo ô nhiễm còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, bởi nước suối chứa quá nhiều bùn, đất, khi chảy vào ruộng tạo bề mặt khô cứng, hoa màu không thể sinh trưởng. Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã kiểm tra nhiều lần, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại một số điểm mỏ. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục những tồn tại lại quá chậm, có nhiều đơn vị còn bất chấp quy định không thực hiện.

HOÀNG BÁCH (thôn Bản Xám, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)

Khai thác cát, sỏi gây sạt lở bờ sông

Phát biểu tại buổi họp Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản gần đây, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nêu hiện tượng một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chưa tuân thủ nội dung giấy phép được cấp, vi phạm quy định về thời gian khai thác; một số khu vực khai thác cát, sỏi gây sạt lở bờ sông có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới diện tích đất canh tác, sản xuất của nhân dân, đe dọa tới các công trình giao thông, thủy lợi. Một số khu vực phát hiện sai phạm nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Cụ thể: Tại khu vực các xã: Vân Sơn, Cấp Tiến, huyện Sơn Dương; khu vực xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn; khu vực ngã ba sông Lô, sông Gấm.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Lô, sông Gấm trái phép, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng đáng tiếc là tình hình chấn chỉnh vẫn chuyển biến rất chậm và người dân chúng tôi đang mong mỏi dòng sông sớm được trả lại sự bình yên.

PHAN ĐỨC HOÀNG (thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang)

Khổ vì khai thác đá

Khoảng 7 năm trở lại đây, từ khi các mỏ đá trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đi vào hoạt động, cũng là thời điểm người dân chúng tôi phải sống chung với môi trường ô nhiễm. Vào mùa khô, bụi bay mù mịt, chúng tôi phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm để tránh bụi. Còn mùa mưa, đường ĐT 768 qua khu vực các mỏ khai thác trở nên trơn trượt do đất rơi vãi xuống đường, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chết người xảy ra tại tuyến đường này.

Qua thông tin từ báo chí, chúng tôi được biết, nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, siết chặt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cơ sở đẩy mạnh giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các mỏ đá, yêu cầu doanh nghiệp khai thác thực hiện đầy đủ giải pháp bảo vệ môi trường. Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh có đưa ra thông điệp: Chủ mỏ khai thác đá nào không thực hiện đúng quy định, sẽ buộc ngừng hoạt động và rút giấy phép.

Mong rằng hoạt động khai thác, vận chuyển đá sẽ sớm được chấn chỉnh; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông trên địa bàn sẽ được cải thiện.

NGUYỄN VĂN THẮNG (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Cơ quan chức năng nói rồi… không thực hiện

Liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản tại phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương của Hợp tác xã Công nghiệp 68 Chí Linh (HTX 68 Chí Linh), ngày 21-4-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 378/STNMT-TNKSNKTTV, nêu rõ hàng loạt sai phạm của đơn vị này, như: Hoạt động khai thác khoáng sản nhưng chưa có thiết kế mỏ; chưa lập bản đồ hiện trạng mỏ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng, báo cáo hoạt động khoáng sản, báo cáo thống kê kiểm kê trữ lượng khoáng sản theo quy định…

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: HOÀNG HẢI

Sở TN&MT Hải Dương yêu cầu: “HTX 68 Chí Linh phải khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên trong thời gian 90 ngày; trường hợp không hoàn thiện các thủ tục theo quy định sẽ báo UBND tỉnh yêu cầu dừng khai thác và thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật”. Song sau hơn 2 năm, hầu hết các sai phạm chưa được khắc phục, vẫn chưa thấy UBND tỉnh Hải Dương đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động của HTX 68 Chí Linh.

Sự việc trên chúng tôi thấy đã được Báo Quân đội nhân dân và nhiều cơ quan báo chí khác phản ánh, nhưng đến nay vẫn không thấy cơ quan chức năng ở địa phương xử lý. Thậm chí ngay sau khi báo đăng, số lượng xe tải "hổ vồ" vào chở khoáng sản trái phép hoạt động còn nhiều hơn như một sự thách thức dư luận khiến người dân rất bất bình. Cùng với đó, dư luận ở địa phương lại có thông tin dự án này là của lãnh đạo nọ, lãnh đạo kia nên không xử lý được càng khiến người dân bức xúc. Vì vậy, chúng tôi rất mong UBND tỉnh Hải Dương sớm chỉ đạo xử lý dứt điểm sự việc.

PHẠM QUANG (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nhieu-dia-phuong-buong-long-quan-ly-viec-khai-thac-khoang-san-517906