Nhiều địa phương bị chia cắt sau bão số 3

* 8 bản ở huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) bị cô lập hoàn toàn

Sáng 19/7, thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Nghệ An, sau bão số 3 là mưa lớn khiến nhiều địa phương bị ngập nặng, chia cắt. Công tác khắc phục hậu quả sau bão đang được khẩn trương triển khai. Nhiều tuyến đường cơ quan chức năng phải cử người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.

Bão Sơn Tinh đã đổ bộ vào vùng biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh với sức gió gần tâm bão lên tới cấp 9, cấp 10, giật cấp 11. Tại Nghệ An có 2 nhà bị sập, 4 nhà bị sạt lở. Nhiều diện tích rau màu, thủy sản của bà con bị ngập nặng. Huyện Quỳ Hợp có hai xã là Châu Hồng, Châu Tiến đang bị cô lập. Lực lượng chức năng và Đoàn thanh niên đã và đang giúp nhân dân vận chuyển người và đồ đạc đến nơi an toàn.

Tại huyện Yên Thành nhiều nhà dân ở xã Khánh Thành, Long Thành bị ngập sâu. Ngoài ra, nhiều xã của các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Quế Phong... cũng đang bị cô lập. Nhiều tuyến đường đã đóng đường, cử người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại. Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiểm tra trên các tuyến được giao quản lý thực hiện công tác xử lý các thiệt hại sau mưa, bão. Đồng thời phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương tiến hành phân luồng đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Tại huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) lực lượng chức năng và người thân vẫn chưa thể liên lạc được với 35 người dân xã Châu Bính đi hái măng rừng. Theo ông Lang Xuân Chính - Chủ tịch UBND xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, trên địa bàn xã có 41 người đi hái măng trong rừng trước khi bão vào. Hiện nay, có 6 người đã gọi điện về nhà, 35 người vẫn không thể liên lạc được trong khi diễn biến mưa lũ đang hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, những người này vào rừng làm măng khô cả tháng mới về một lần nên điện thoại thường hết pin, không liên lạc được. Trước đó, đã có 53 người dân khác của huyện Quỳ Châu vào rừng hái măng và trở về nhà an toàn trước khi bão đổ bộ. Sáng 19-7, lực lượng chức năng huyện kết hợp với các xã đã phải ứng cứu những người mắc kẹt bị cô lập tại các chòi về nơi an toàn.

Mưa bão, nước dân cao, gập sâu vào nhà dân.

Cũng do ảnh hưởng mưa bão, toàn huyện Quỳ Châu có 16 cầu tràn bị ngập. Các tuyến giao thông liên xã trên địa bàn các xã Hoa Tiến, Châu Tiến, Châu Hội, Châu Nga, Châu Thuận, Châu Bình bị sạt lở, ngập sâu. Hiện toàn huyện có 2 nhà bị tốc mái và sập, 11 nhà bị ngập úng, 2 nhà bị sạt lở. Quỳ Châu đã vận động di dời 18/198 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại địa bàn xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cũng xảy ra mưa lớn, nước suối dâng cao gây ngập lụt, sạt lở ở một số đoạn đường giao thông trên địa bàn xã; đặc biệt các cây gỗ trôi theo dòng nước làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Trước tình hình đó, đồn Biên phòng Nậm Càn đã cử lực lượng phối hợp địa phương thường trực tại các khu vực nguy hiểm để tuyên truyền cho bà con không vớt gỗ lấy củi, không đánh bắt cá gần các con sông suối. Đồng thời thu dọn những cây gỗ làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.

Tại huyện Nghi Lộc, do ảnh hưởng bão Sơn Tinh đã làm 37 ha lúa hè thu bị ngập sâu, 55 ha vừng và ngô, 5ha rau màu, hơn 28 ha nuôi trồng thủy sản đều bị ngập sâu trong nước. Còn tại huyện Diễn Châu, mưa bão đã làm cho 4.500 ha lúa hè thu, chiếm 50% diện tích bị ngập trong nước, 1.900 ha vừng, 50 ha dưa hấu và hàng trăm ha rau cũng bị nhấn chìm trong nước. Cùng với đó, 100 ha ao nuôi trồng thủy sản ở Diễn Vạn và Diễn Trung bị tràn bờ,thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ước tính trên toàn tỉnh Nghệ An có hơn 20.000 ha lúa bị ngập, hơn 5.000 ha hoa màu bị hư hại thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến 17 giờ ngày 19/7, tại các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, diện tích cây trồng bị ngập lụt, úng là 69.460 ha; trong đó 66.890 ha lúa, 12.570 ha rau màu. Nam Định là địa phương đang có diện tích lúa mùa bị ngập nhiều nhất 27.530/62.260 ha, toàn tỉnh đang vận hành 307 máy bơm các loại, mở 6 cống tiêu. Tỉnh Ninh Bình đang có 5.290/20.000 ha lúa mùa bị ngập, tỉnh đang vận hành 284 máy bơm và mở 11 cống tiêu. Thanh Hóa cũng có 14.590/121.860 ha lúa bị ngập, chiếm 12% diện tích đã gieo cấy. Tỉnh Nghệ An có 12.250/83.000ha lúa và rau màu bị ngập.
Theo dự báo, hoàn lưu của cơn bão số 3 sẽ tiếp tục gây mưa ở các địa phương đang có nhiều diện tích ngập; do vậy, diện tích úng ngập sẽ tăng và khả năng sẽ có thiệt hại do hầu hết các diện tích lúa mùa, hè -thu mới được gieo cấy.

T.H.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/nhieu-dia-phuong-bi-chia-cat-sau-bao-so-3-tintuc410482