Nhiều di tích lịch sử ngang nhiên bị xâm phạm

Trong những năm qua, tình trạng đình, đền, chùa, di tích lịch sử (DTLS) bị xâm lấn, chiếm dụng mở hàng quán kinh doanh, buôn bán... liên tục xảy ra ở không ít địa phương trong cả nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của các DTLS mà còn gây mất mỹ quan đô thị, khiến người dân không khỏi bức xúc.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 160 DTLS đã xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố bị lấn chiếm khuôn viên. Điều đáng chú ý là việc các DTLS bị xâm phạm đã xảy ra từ lâu, từ tổ dân phố đến cấp phường, quận đều biết, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

 Di tích cửa hàng ăn uống dưới hầm ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định) bị biến thành nơi kinh doanh, buôn bán.

Di tích cửa hàng ăn uống dưới hầm ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định) bị biến thành nơi kinh doanh, buôn bán.

Như tại chùa Đồng Quang nằm trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), lối đi vào chùa bị một số hộ chiếm dụng kê bàn ghế để bán hàng. Các hộ dân còn ngang nhiên cơi nới, lấn chiếm diện tích vốn là của nhà chùa để sử dụng khiến đường vào chùa rất nhỏ hẹp. Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân sinh sống ở gần chùa Đồng Quang cho biết: “Việc các DTLS bị xâm phạm làm nơi kinh doanh, buôn bán là không chấp nhận được. Đã nhiều lần chúng tôi có ý kiến với chính quyền địa phương đề nghị dẹp bỏ những hàng quán bán trong khuôn viên chùa Đồng Quang nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong rằng chính quyền thành phố sớm có biện pháp giải phóng mặt bằng để người dân vào lễ được nghiêm trang, thuận tiện”. Hay như đình Trung Yên (số 10, ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), mặc dù là di tích quốc gia, nhưng không gian của đình chỉ vỏn vẹn hơn 10m2 ở tầng 2, còn tầng 1 ẩm thấp, chật chội là nơi sinh sống của 3 gia đình.

Tại TP Nam Định hiện có 6 DTLS cách mạng kháng chiến được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các DTLS này đang bị xâm phạm và xuống cấp. Như nhà số 7 Bến Ngự (phường Phan Đình Phùng, TP Nam Định) là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định, trước đây có diện tích 890m2, tuy nhiên hiện nay đã bị lấn chiếm một phần. Còn di tích cửa hàng ăn uống dưới hầm chạy dài từ ngã tư Hai Bà Trưng-Hàng Tiện tới ngã tư Hai Bà Trưng-Bà Triệu được Nhà nước cấp Bằng công nhận DTLS cách mạng kháng chiến năm 1979, song hiện tại khu di tích này bị doanh nghiệp và hộ gia đình lấn chiếm, trong đó cửa hàng ăn uống dưới hầm được dùng làm quán bán cà phê, cửa hầm phía sau được doanh nghiệp xây dựng thành các ki-ốt kinh doanh xe máy...

Lý giải về nguyên nhân các đình, chùa, DTLS bị xâm phạm, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, sau khi được xếp hạng, các di tích được giao cho đơn vị chưa đủ chức năng quản lý, điều này dẫn tới việc một số di tích bị xâm phạm theo thời gian. Bên cạnh đó, việc phân công trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với việc trông nom, bảo vệ di tích còn buông lỏng. Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích, như Luật Di sản văn hóa và nghị định, thông tư trong việc hướng dẫn địa phương kiện toàn bộ máy quản lý di tích, hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư, tu bổ, phục hồi di tích để bảo đảm việc trông nom di tích, bảo đảm di tích đạt được những mục tiêu cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu những cơ chế phối hợp giữa các ngành với nhau nên khi kết hợp giữa các luật để thực hiện vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự chặt chẽ và rõ ràng.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ các DTLS. Tuy nhiên, DTLS vẫn đang bị xâm hại bởi sự thiếu ý thức của người dân. Vì thế cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, để các DTLS được trả lại nguyên trạng vốn có.

Bài và ảnh: VŨ MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhieu-di-tich-lich-su-ngang-nhien-bi-xam-pham-617354